2 tuần nữa thế giới sẽ có vắc xin ngừa COVID-19?

Cập nhật, 16:18, Chủ Nhật, 02/08/2020 (GMT+7)

Nga sẽ phê chuẩn vắc xin COVID-19 trong vòng chưa đầy 2 tuần tới, trong khi Mỹ bắt đầu bước vào thử nghiệm lâm sàng.

 

Thử nghiệm tiêm vắc xin COVID-19 cho một tình nguyện viên Nga.  Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Ria Novosti
Thử nghiệm tiêm vắc xin COVID-19 cho một tình nguyện viên Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Ria Novosti

Nga dự kiến trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin COVID-19 trong vòng chưa đầy 2 tuần tới- theo CNN.

Các quan chức Nga tiết lộ với hãng tin của Mỹ rằng, nước này đang làm việc để hướng tới thời điểm ngày 10/8 hoặc sớm hơn để phê chuẩn vắc xin COVID-19.

Các nhà vi rút học tại Viện Sechenov và Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaley- một trung tâm nghiên cứu vi rút Corona khác ở Moscow đã được hưởng lợi từ những “nghiên cứu khổng lồ” trước đó để giải mã bộ gien và cấu trúc của COVID-19, nhanh chóng tạo ra một nguyên mẫu vắc xin. Họ cũng đã hoàn thành thử nghiệm trên người hôm 20/7 vừa qua.

Vắc xin được thử nghiệm trên các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18- 60, đã cho thấy kết quả tốt “về khả năng dung nạp”.

Ông Vadim Tarasov- người đứng đầu Viện Công nghệ y học và Công nghệ sinh học của ĐH Sechenov nói với RT rằng, công nghệ đằng sau vắc xin COVID-19 của Nga dựa trên adenovirus- vi rút gây cảm lạnh thông thường.

Được tạo ra một cách nhân tạo, các protein vắc xin sao chép vi rút gây COVID-19 và kích hoạt “một phản ứng miễn dịch tương tự như chính nó gây ra”.

Tất nhiên, vắc xin sẽ không phải là một cây đũa thần ngăn mọi người nhiễm bệnh. Nó có thể không ngăn chặn toàn bộ sự lây lan của vi rút, nhưng sẽ làm cho các triệu chứng nhẹ hơn nhiều.

Ông Tarasov cho biết, 38 tình nguyện viên đã được tiêm vắc xin thử nghiệm vào vai- “một quy trình chuẩn, không gây đau đớn, điều mà nhiều người trải qua- do đó, không có gì khủng khiếp ở đây và về cơ bản không có gì mới”.

Trong cuộc đua “ngầm” để công bố vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, giới chức Nga khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 sẽ trở thành một lợi ích chung. Nga có thể tuyên bố một bước đột phá, nhưng không tìm kiếm lợi nhuận vắc xin.

“Vấn đề quan trọng ở đây là ai sẽ là người đầu tiên giúp đỡ công dân của mình và những người cần nó, bởi vì chúng ta càng sớm có một loại vắc xin tốt và hiệu quả có thể được sử dụng trên diện rộng và bắt buộc, thì chúng ta có thể vượt qua COVID-19 nhanh hơn”- ông Tarasov nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho biết, việc nghiên cứu ra vắc xin COVID-19 không chỉ mang tham vọng chính trị hoặc phấn đấu trở thành người đầu tiên. “Điều quan trọng là giúp mọi người và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch”- nhà khoa học kết luận.

Ngày 27/7, một loại vắc xin ngừa SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Hãng dược phẩm Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát triển, đã bắt đầu bước vào thử nghiệm giai đoạn 3.

Vắc xin mRNA-1273 do Công ty Moderna sáng chế, sẽ được thử nghiệm trên 30.000 tình nguyện viên. Bệnh nhân đầu tiên đã được sử dụng loại vắc xin thử nghiệm trên tại một địa điểm ở TP Savannah, tiểu bang Georgia. Đây là loại vắc xin đầu tiên của Mỹ đạt được bước thử nghiệm này.

Một nhóm thử nghiệm sẽ nhận được 2 liều vắc xin mRNA-1273 100 microgam trong vòng 28 ngày, trong khi nhóm khác sử dụng một loại giả dược. Theo Moderna, nếu thành công, loại vắc xin này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay.

Giám đốc điều hành của Moderna Stéphane Bancel bày tỏ vui mừng với thành công bước đầu và hy vọng những cuộc thử nghiệm này sẽ chứng minh tiềm năng của vắc xin để ngăn chặn COVID-19. Ông cho biết thêm, Moderna vẫn duy trì kế hoạch cung cấp khoảng 500 triệu liều vắc xin mỗi năm và cố gắng đạt 1 tỷ liều mỗi năm bắt đầu từ năm 2021.

Không chỉ ở Mỹ mà trên thế giới, cuộc đua phát triển vắc xin COIVD-19 đang ngày càng trở nên mãnh liệt. Nhà đầu tư đặt cược ai chiến thắng sẽ kiếm lời khủng từ việc bán hàng trăm triệu, hay hàng tỷ liều vắc xin cho các quốc gia trên khắp thế giới.

Chính tâm lý này đang giúp giới lãnh đạo ngành công nghiệp dược phẩm và y tế kiếm tiền nhanh chóng và thậm chí đã bắt đầu xuất hiện các chiêu lừa ở Mỹ. Các công ty dược thậm chí chỉ cần đề cập tới một chút tín hiệu cho thấy sản phẩm của họ có liên quan đến nghiên cứu vắc xin đều sẽ trở thành động lực tài chính mạnh mẽ khiến họ thu lợi về rất nhiều nguồn đầu tư.

Song thực tế là giới chức Mỹ đã bắt đầu phát hiện các chiêu trò gắn tên tuổi của mình với sự tham gia chương trình Operation Warp Speed- sáng kiến giúp đẩy nhanh sản xuất các loại thuốc chống COVID-19.

Ví dụ trường hợp Vaxart, vắc xin của công ty này chỉ được một cơ quan liên bang, phối hợp với Operation Warp Speed, chọn tham gia thử nghiệm trên động vật, nhưng Vaxart không nằm trong nhóm công ty nhận được hậu thuẫn tài chính để sản xuất vắc xin quy mô lớn. Họ cố tình lập lờ chỗ đó- một quan chức y khoa xác nhận.

Các quan chức y tế Mỹ đang lo ngại rằng liệu Vaxart và nhiều công ty dược khác có đang cố tình thổi giá cổ phiếu bằng cách phô trương sự liên hệ với chương trình Warp Speed không. Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) đã nắm vấn đề này.

Giới chuyên gia nhận định các giao dịch cổ phiếu kiểu chốt lời nhờ nắm tin tức có thể khiến niềm tin công chúng đối với ngành dược phẩm bị xói mòn, nhất là khi thế giới đang kỳ vọng họ mang lại một phương thuốc chữa COVID-19.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo DVO)