Khơi dậy và ươm mầm sáng tạo

Cập nhật, 20:03, Chủ Nhật, 23/09/2018 (GMT+7)

Nhiều năm qua, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng đã và đang khơi dậy, ươm mầm sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu nhi.

Các học sinh đạt giải nhất nhận chứng nhận.Ảnh: TL
Các học sinh đạt giải nhất nhận chứng nhận.Ảnh: TL

Tạo sân chơi bổ ích

Để hỗ trợ cho các đơn vị trong việc tổ chức cuộc thi và khơi nguồn sáng tạo cho các em, BTC đã phối hợp với 8 phòng GD- ĐT triển khai tập huấn phương pháp tìm ý tưởng sáng tạo, hướng dẫn viết bảng thuyết minh, trao đổi, thảo luận và giải đáp một số vấn đề có liên quan. Qua đó, trong năm 2018, cuộc thi đã thu hút được 9.607 sản phẩm dự thi ở 3 khối lớp phổ thông, tăng 1.830 sản phẩm so với cuộc thi năm trước.

Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết, qua 7 lần tổ chức, cuộc thi đã đi vào nề nếp và đạt được kết quả tốt, chất lượng sản phẩm dự thi có nhiều tính sáng tạo, nhất là những sản phẩm mang tính phục vụ đời sống. Cũng theo thầy Hồng, số lượng sản phẩm của học sinh tiểu học chiếm đến 66% tổng số sản phẩm tham gia cũng đã cho thấy được sức hấp dẫn của cuộc thi đối với lứa tuổi học sinh này.

Theo đánh giá của BTC, các sản phẩm đều thể hiện sự đa dạng, phong phú, tích cực. Trong đó, cũng đã cho thấy vai trò của phụ huynh khi tạo mọi điều kiện các em học sinh tham gia tích cực. Đặc biệt là ở một số địa phương có số sản phẩm dự thi tăng cao như Trà Ôn, Vũng Liêm, TP Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít,…

Em Nguyễn Hải Sản- học sinh Trường THCS Tân An Thạnh (Bình Tân)- cho biết, em đã tham gia cuộc thi này nhiều lần và cảm thấy rất vui khi các sản phẩm đạt giải.

Trong khi đó, em Nguyễn Đại Nghĩa- học sinh Trường THPT Tân Lược (Bình Tân)- cho rằng, đây là cuộc thi hết sức ý nghĩa giúp cho học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, và sáng tạo ra các sản phẩm để phục vụ cho cuộc sống con người.

Ông Hà Văn Sơn- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật- cho biết, cuộc thi đã khơi dậy sự sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của các em. Trên cơ sở đó, giúp các em có sân chơi bổ ích, đạt mục tiêu khơi dậy tiềm năng.

Từ đó, nhà trường, phụ huynh có những định hướng, giải pháp giúp các em phát triển tư duy. Đặc biệt là nhiều khả năng sẽ giúp các em phát huy tính sáng tạo, sự tự tin để đóng góp các giải pháp có ích cho đất nước.

Các sản phẩm tham gia đều gắn liền với cuộc sống, học tập của học sinh.
Các sản phẩm tham gia đều gắn liền với cuộc sống, học tập của học sinh.

Khơi dậy và ươm mầm sáng tạo

Để cuộc thi thành công tốt đẹp, nhiều trường đã có những giải pháp giúp các em định hướng được ý tưởng, khái quát và đi vào nghiên cứu, sáng tạo.

Thầy Trương Văn Miên- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn)- cho biết, những năm qua, nhà trường đã chỉ đạo công tác tham gia hội thi sáng tạo, có quyết định phân công, hàng năm đều lập kế hoạch và triển khai đến giáo viên, phụ huynh học sinh, sau đó, phân công giáo viên chuyên để giúp các em tham gia thuận lợi hơn.

Đi từ những quan sát thực tế, các em học sinh đã vận dụng sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm rất hữu ích trong đời sống hàng ngày.

Em Sơn Thành Đạt- học sinh Trường THCS Loan Mỹ (Tam Bình)- quan sát thực tế khi tôm của mẹ chết do thiếu oxy trong 1 lần cúp điện. “Đó là nguyên nhân chính em nghĩ đến làm thế nào để tạo ra thiết bị bơm oxy cho tôm, cá sử dụng pin năng lượng mặt trời. Sản phẩm đạt giải nhì của cuộc thi này”- Đạt cho biết.

Em Sơn Thành Đạt.
Em Sơn Thành Đạt.

Các sản phẩm của học sinh ngày nay cũng dần được quan tâm ứng dụng chứ không còn chuyện “sản phẩm tạo ra rồi để đó”.

Như sản phẩm của Đạt hiện đã được một số tiểu thương bán cá sử dụng hoặc sản phẩm phần mềm “Luyện gõ không nhìn phím Kabi Bird” của em Sơn Tấn Hoàng- Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã được nhà trường cài trên máy tính và dạy trong môn Tin học, giúp các em học sinh học tập và luyện tập kỹ năng đánh máy.

Em Sơn Tấn Hoàng cho biết, cái mới ở đây là trò chơi sẽ làm cho người luyện đánh máy không thể nhìn kịp bàn phím thật.

“Phần mềm được viết bằng ngôn ngữ lập trình GML. Phần mềm này có tính khả dụng cao khi hỗ trợ tương thích với các hệ điều hành Windows hiện nay. Sau khi sử dụng, người dùng sẽ đánh máy không nhìn bàn phím, luyện đánh được 10 ngón mà lại nhanh nữa,…”- Hoàng chia sẻ.

Hay như sản phẩm “Ổ điện thông minh” của nhóm tác giả học sinh Trường THPT Trà Ôn rất khả thi có thể áp dụng được trong nhiều hộ gia đình. Sản phẩm này được kết nối qua điện thoại thông minh với ứng dụng “Blynk”.

Người sử dụng có thể điều khiển 3 ổ điện tương ứng với 3 nút bấm trên điện thoại thông minh. “Ứng dụng này sẽ giúp bạn tắt thiết bị điện khi ra ngoài mà quên tắt; hay nấu nước sử dụng trước khi về đến nhà,…”- đại diện nhóm tác giả cho biết. Đây cũng là sản phẩm đạt giải nhất của cuộc thi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời đã đánh giá cao cuộc thi trong những năm qua, đồng thời mong muốn cuộc thi tiếp tục tạo hiệu ứng sâu rộng đến học sinh, phụ huynh, xã hội…

Ông lưu ý: “Đối với các em đã tham gia cuộc thi và đạt giải, các thầy cô giáo và phụ huynh cần quan tâm, theo dõi, tiếp tục động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm mà các em tích lũy được trong quá trình tham gia cuộc thi”.

Cuộc thi lần thứ 7 (2017- 2018) thu hút 9.607 sản phẩm tham gia, BTC đã trao 38 giải gồm 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 20 giải khuyến khích. Theo đó, có 11 sản phẩm được chọn dự thi cấp toàn quốc.

Cuộc thi lần thứ 8 (2018- 2019) sẽ có 5 lĩnh vực dự thi gồm: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.


Bài, ảnh: KHÁNH DUY