Kính thông minh "dịch" hình ảnh thành âm thanh cho người khiếm thị

Cập nhật, 10:53, Thứ Hai, 09/11/2015 (GMT+7)

Loại kính thông minh dành cho người khiếm thị do hãng Vision Technologies ở Luân Đôn (Anh) phát triển và chào bán có thể "kể" cho người khiếm thị nghe những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Ảnh: Daily Mail
Ảnh: Daily Mail

Loại kính mang thương hiệu GiveVision (ảnh) được trang bị các camera tí hon bên trong, nên có thể nhận biết mọi vật từ cửa vào của các cửa hiệu đến những thứ chứa đựng bên trong tủ lạnh. Kính thông minh này hoạt động dựa trên nguyên tắc đưa ra giải thích bằng lời nói thông qua một ứng dụng trên điện thoại và tai nghe.

Kính sử dụng phần mềm trí thông minh nhân tạo (tương tự loại dùng trong kính Google Glass) nên có thể nhận diện và lập tức thông báo cho người dùng biết tên và nghề nghiệp của người đang đến gần, cũng như ngày mà cả hai gặp nhau trước đó.

Người đeo kính thậm chí có thể ghi hình khuôn mặt của một người bằng cách nói lớn tên của họ và bổ sung các thông tin mô tả vào danh sách liên lạc, chuyển thông tin từ văn bản thành âm thanh bằng cách nhìn vào các dòng chữ hoặc chỉ cần phóng to văn bản nếu chủ nhân là người có thị lực kém.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể "huấn luyện" kính nhận biết mọi thứ, từ lối vào và loại hình kinh doanh của cửa hàng trước mặt đến số chuyến xe buýt đang tới và trên xe còn chỗ trống nào hay không. GiveVision đã được thử nghiệm trên 1.000 người và dự kiến tung ra thị trường vào năm tới.

Cũng với nỗ lực giúp người khiếm thị cải thiện chất lượng sống, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California (Caltech) ở Mỹ vừa chế tạo loại mắt kính thông minh giúp những người khiếm thị có thể nhận biết hoàn cảnh xung quanh bằng trực giác mà không cần phải tập luyện.

Thiết bị, có tên vOICE, là cặp kính mát tích hợp camera và kết nối với máy tính. vOICE được phát triển dựa trên một thuật toán cùng tên do kỹ sư người Hà Lan Peter Meijer phát triển năm 1992.

Hệ thống này chuyển đổi các điểm ảnh trong các đoạn hình ảnh mà camera thu được thành âm thanh, cũng như "dịch" chiều cao và độ sáng (của đối tượng hoặc vật thể) thành âm lượng và cường độ. Ví dụ, chùm điểm ảnh tối ở cuối khung hình sẽ phát âm thanh nhỏ có cường độ thấp, trong khi mảng sáng phía trên khung hình sẽ phát âm thanh lớn với cường độ cao.

Nhà nghiên cứu Noelle Stiles và cộng sự Shinsuke Shimojo giải thích rằng việc chuyển đổi hình ảnh thành âm thanh theo cách như trên phản ánh cách mà chúng ta tích hợp dữ liệu từ những giác quan khác nhau. Ví dụ, quan sát một hoa hồng có nghĩa là trải nghiệm nhiều thứ chứ không chỉ màu sắc của nó, chẳng hạn như mùi hương của hoa, kết cấu của những cánh hoa và tiếng xào xạc của những chiếc lá.

Thử nghiệm cho thấy, người khiếm thị chưa dùng thiết bị vẫn có thể ghép đúng hình dạng vật thể và âm thanh giống như người đã dùng qua, và cả hai đối tượng đều nhận biết đồ vật tốt hơn 33% so với những người cùng cảnh ngộ nhưng không dùng kính.

Theo http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=74&p=&id=171149