Thế giới ngày càng “béo” hơn

Cập nhật, 11:54, Thứ Năm, 29/01/2015 (GMT+7)

Theo Báo cáo Tình trạng Toàn cầu vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, béo phì đang trở thành vấn nạn ở mọi châu lục với tỷ lệ thừa cân đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980. WHO cảnh báo béo phì mỗi năm cướp đi sinh mạng của 3,4 triệu người.

Báo cáo cho biết, có hơn 600 triệu người lớn béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên) và gần 2 tỉ người thừa cân (BMI từ 25 đến 29) trong năm 2014. Còn trong năm 2013, WHO ghi nhận khoảng 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân hoặc béo phì trên toàn thế giới.

Về mật độ, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ Mỹ là quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Nhưng theo bản đồ mới về cuộc khủng hoảng béo phì thì các quốc đảo Thái Bình Dương là khu vực có số dân béo phì đứng đầu thế giới.

Bản đồ dựa trên số liệu thống kê từ một nghiên cứu gần đây của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về tình trạng béo phì trong cộng đồng quốc tế, trong đó cho thấy Samoa thuộc Mỹ xếp ở vị trí dẫn đầu với gần 75% dân số bị béo phì; kế đến là Nauru và đảo Cook với tỷ lệ lần lượt là 71,1% và 63,4% dân số.

"Văn hóa thức ăn nhanh" được xem là một trong những nguyên nhân khiến số người béo phì tăng cao. Ảnh: CSMonitor

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng bởi "văn hóa thức ăn nhanh" của phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai khi các đảo này hầu như đều là thuộc địa của Mỹ, Úc, New Zealand, Anh hoặc Pháp.

Cụ thể, các loại thực phẩm truyền thống như cá tươi, thịt và các loại trái cây, rau quả địa phương đã được thay thế bằng gạo, đường, bột mì, các loại thịt - trái cây - rau củ đóng hộp cùng bia và nước giải khát. Theo các chuyên gia Đại học Oxford (Anh), chính những thực phẩm mới "giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng" đã dẫn đến sự gia tăng báo động của bệnh béo phì.

Các khu vực khác gồm châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ đều có tình trạng béo phì ở mức cao. Chẳng hạn ở Anh, hơn 25% dân số nước này bị béo phì. Trong khi tại Mỹ, tỷ lệ này là 35%, Úc 27%, Thổ Nhĩ Kỳ 29,5%, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất 34,5% và Libye 33,1%.

Còn ở Pháp, Ý và Thụy Điển thì mức độ khả quan hơn với tỷ lệ béo phì thấp hơn 10%. Trong khi đó, số người từ 15 tuổi trở lên béo phì ở Việt Nam đã tăng 92% trong giai đoạn 2008-2013, và con số đó là 57% ở Trung Quốc, 37% ở Ấn Độ. Riêng hầu hết các nước châu Phi và Nam Á có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Cụ thể chỉ có 1% người dân ở Bangladesh và Ethiopia bị thừa cân.

Đáng chú ý, báo cáo của WHO cho thấy có sự chênh lệch về tỷ lệ béo phì giữa hai giới. Theo đó, số phụ nữ bị béo phì ở châu Phi, Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải cao gấp 2 lần nam giới. Nguyên nhân được cho là do khác biệt trong phân bố chất béo của cơ thể, nhưng một số nghiên cứu khác cho rằng yếu tố về mặt kinh tế xã hội cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Theo Báo Cần Thơ