Phân lập thành công tế bào gốc tái tạo xương và tủy ở chuột

Cập nhật, 13:01, Thứ Ba, 27/01/2015 (GMT+7)

Viêm khớp mãn tính là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, trong đó phần mô đàn hồi (còn gọi là sụn) giữa các khớp bị hao mòn, gây đau đớn. Trong một phát hiện có thể xem là đột phá quan trọng giúp chữa trị chứng bệnh này, các nhà khoa học Mỹ đã tách thành công tế bào gốc ở chuột trưởng thành có thể tái tạo cả mô sụn và xương.

Loại tế bào có khả năng tái sinh này tên là osteochondroreticular (OCR), được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia ở New York tìm thấy trong tủy xương. Khi được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm và cấy trở lại cơ thể chuột, chúng đã giúp con vật phục hồi phần xương bị gãy.

Mô phỏng phần đầu của xương đùi được cấy tế bào gốc OCR đã tái tạo xương và sụn. Ảnh: Ibtimes

Các nhà nghiên cứu tin rằng tế bào gốc OCR cũng tồn tại trong các mô xương người, bởi vì xương chuột và xương người có cấu tạo sinh học tương tự nhau. "Thí nghiệm mới khơi gợi ý tưởng có thể làm điều tương tự ở người – tức là có khả năng chiết xuất tế bào gốc OCR từ xương người và đưa chúng trở lại vật chủ để phục hồi các khuyết tật gãy xương phức tạp hoặc chữa lành chứng viêm khớp" – Siddhartha Mukherjee, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Do đó, bước nghiên cứu tiếp theo là xác định vị trí các tế bào OCR ở người và sử dụng chúng để phục hồi những dạng tổn thương phức tạp ở xương và sụn hoặc phát triển các liệu pháp ngăn ngừa và điều trị gãy xương loãng xương, viêm xương khớp, hoặc xương.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lập biểu đồ các tín hiệu hóa học có thể kích thích tạo ra tế bào gốc OCR và hướng chúng phát triển thành loại mô cụ thể nào đó. Phát hiện này có thể giúp tạo ra các phương pháp điều trị đối với các rối loạn xương nghiêm trọng như nứt xương, xương giòn, ung thư xương hoặc hư sụn.

Theo Cần Thơ Online