Hy vọng mới việc điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh

Cập nhật, 16:37, Thứ Bảy, 31/08/2013 (GMT+7)


Các nhà nghiên cứu phát triển các tế bào da thành các mô 3D bắt chước một não bộ.

Các nhà khoa học tế bào gốc vừa nuôi trồng thành công một bộ não cỡ nhỏ hy vọng sẽ giúp tiến đến việc điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh và tâm thần.

Bộ não gọi là organoid, có độ dài 3- 4mm, có cấu trúc tương tự như não người trưởng thành nhưng các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng việc tạo ra bộ não nhân tạo vẫn còn xa.

Mục tiêu của họ là tạo ra công cụ sinh học được dùng để điều tra các hoạt động của não bộ, hiểu rõ hơn các căn bệnh về não, và thử nghiệm các loại thuốc mới.

Giáo sư Juergen Knoblich thuộc Viện Công nghệ sinh học phân tử tại Vienna (Áo), đã lấy nguồn gốc từ tế bào iPS (các tế bào gốc đa năng cảm ứng) từ các mô liên kết ở bệnh nhân bị chứng đầu nhỏ. Đây là một trường hợp rối loạn di truyền nghiêm trọng hiếm gặp do kích thước não bộ giảm dần làm cho người mắc phải bị khuyết tật tâm thần nghiêm trọng. Giống như nhiều bệnh thần kinh, bệnh này khó nghiên cứu trên chuột vì não chúng không giống não bộ phức tạp của chúng ta.

Bộ não nhỏ này giúp các nhà nghiên cứu xác định được khuyết điểm tác động đến sự phát triển bình thường của não bộ làm cho não trở nên nhỏ đi.

Nhóm nghiên cứu sử dụng ma trận 3D bắt chước môi trường phôi thai người và những thiết bị đặc biệt trong phòng thí nghiệm gọi là các lò phản ứng sinh học xoay có thể sản sinh ra các chất dinh dưỡng và oxy để nuôi não.

Giáo sư Knoblich cho biết: “Chúng tôi chuyển các tế bào nguồn gốc từ bệnh nhân thành các tế bào nguyên thủy gọi là tế bào iPS và sử dụng chúng để tạo ra não organoid và so sánh chúng với não của những người khỏe mạnh. Chúng tôi cũng sử dụng chúng để nghiên cứu những triệu chứng rối loạn thông thường hơn như bệnh tâm thần phân liệt và tự kỷ vì đây được xem là những khuyết điểm xảy ra trong quá trình phát triển của não bộ. Và chúng tôi rất hài lòng, chúng tôi có thể tạo mô hình những khuyết điểm này khá tốt”.

BIỂN NGỌC

(Nguồn: Mail Online/Science)