Truyện ngắn: Những người mẹ

Cập nhật, 21:50, Chủ Nhật, 10/03/2024 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

THANH HUYỀN 

Hồng với tay lên đầu giường lấy cái điện thoại. Bấm nút mở xem đồng hồ rồi bỏ xuống. Một giờ, qua ngày mới rồi, vậy mà mắt Hồng vẫn ráo hoảnh.
 
Thỉnh thoảng Hồng có những đêm mất ngủ, những lúc như vậy Hồng sẽ lướt web để giết thời gian, mặc dù chuyên gia cảnh báo đây là thói quen không tốt, nhưng đêm nay, Hồng không màng tới cái điện thoại, nó không còn sức hút đối với Hồng, bởi Hồng còn phải cân nhắc cho một quyết định quan trọng.
 
Nằm bên cạnh Hồng, bé Quyên đang say giấc. Hồng ngồi bật dậy, khẽ đưa tay vuốt những sợi tóc vướng trên trán, trên má bé Quyên, như muốn nhìn bé được kỹ hơn. Dưới ánh đèn màu của chiếc đèn ngủ, gương mặt bé Quyên trong sáng và thánh thiện vô cùng. Không họ hàng, máu mủ, cuộc đời lại xui khiến cho bé Quyên và Hồng gặp nhau, để rồi đã bao lần tim Hồng đau thắt khi nghĩ đến ngày phải rời xa con bé.
 
Không ngăn được cảm xúc, Hồng vô tình để giọt nước mắt lạc lõng rơi vào mặt bé Quyên. Bé Quyên đưa tay lên dụi mắt, theo phản xạ, bé choàng tay qua ôm người ngủ cùng, nhưng bé hụt hẫng khi tay chạm phải tấm nệm, bé mếu máo gọi: “Ngoại ơi! Ngoại ơi!”, Hồng quýnh quáng nằm xuống nệm vuốt ve lưng bé, chẳng mấy chốc, bé Quyên lại chìm vào giấc ngủ.
 
***
Khi dịch COVID-19 đã được khống chế, Hồng trở lại thành phố tìm việc. Cũng như nhiều công nhân khác, Hồng thuê một căn phòng trọ nhỏ ở gần khu công nghiệp. Những dãy trọ đông đúc có đến hàng trăm phòng, chiếm đa số là công nhân lao động từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đổ về. Qua đợt dịch công ty cắt giảm công nhân, vì vậy số lượng phòng có người thuê chỉ chiếm khoảng một nửa công suất.
 
Những người còn bám trụ lại thành phố không chỉ làm một việc, họ tìm một vài công việc bán thời gian. Khi phải đánh đổi bằng việc xa gia đình, họ phải làm việc nhiều hơn để mong kiếm được nhiều tiền nhất có thể.
 
Họ rất ít có thời gian rảnh để giao lưu trò chuyện, nhiều người ở vài năm quen mặt, gặp nhau chỉ gật đầu chào nhau bằng một nụ cười, như vậy cũng là quá đủ. Chỉ có dì Mười là người trọ ở đây lâu năm bán tạp hóa cho công nhân khu trọ nên nhiều người biết đến dì.
 
Dì Mười đã ngoài sáu mươi, rất vui vẻ và dễ bắt chuyện. Vài lần đến dì mua ít vật dụng, Hồng và dì hỏi thăm nhau, nhìn ra đồng hương cả hai mừng lắm. Mặc dù dì Mười và Hồng không hề biết nhau, nhưng đi nơi xa mà nghe nói có người cùng tỉnh thì lạ cũng trở thành quen.
 
Dì lên thành phố sinh sống cũng lâu rồi, lúc dì hơn hai mươi tuổi. Thời trẻ, dì có nghề thêu rua, dì làm công cho một tiệm may áo dài nổi tiếng ở thành phố. Những chiếc áo dài hình chim công, hoa sen, cây tre,… qua nét thêu tay khéo léo của dì khách rất ưa chuộng. Vào mùa cưới, chủ tiệm giao hàng cho dì thêu không xuể, dì phải tranh thủ làm đêm, có những khi hàng gấp, dì phải thức luôn tới sáng.
 
- Dì có nghề tốt quá mà sao dì bỏ nghề, tiếc quá vậy dì?
- Làm cái nghề tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ nên mắt cũng mau yếu, lưng mau mỏi, dì phải giải nghệ sớm thôi.
 
- Vậy sao dì không truyền nghề lại cho con?
- Dì độc thân mà!
 
Hồng không tin. Dì Mười đùa đó thôi. Rõ ràng dì đang sống với đứa cháu ngoại. Đứa bé khoảng hơn 3 tuổi. Mỗi sáng Hồng đi làm ngang qua phòng trọ dì Mười, Hồng thấy có một anh xe ôm trong khu nhà trọ đến rước bé đi học. Hôm nào không tăng ca, chiều hơn 5 giờ Hồng về cũng thấy anh xe ôm chở bé về ngang phòng trọ của Hồng.
 
Đứa bé rất dễ thương, mặt tròn, mắt to, tóc xoăn. Cô giáo thắt cho hai cái bím tóc cài nơ hồng xinh xinh. Hồng cứ mắc nhìn hoài. Ngày chủ nhật bé ở nhà không đi học, dì Mười bận mua bán, Hồng dẫn bé về phòng chơi, cái chính là giúp cho dì Mười đỡ phải trông cháu. Hồng thuộc típ người cuồng trẻ con nên rất biết cách chiều con nít.
 
Chỉ vài lần qua phòng trọ của Hồng, bé đã cảm mến và quấn quít Hồng còn hơn cả dì Mười. Hồng nghĩ thầm: “Ước gì mình có đứa con gái đáng yêu như vậy!”. Rồi lại nghĩ tới việc ba má giục Hồng lấy chồng. Mỗi lần Hồng về quê, kiểu gì cũng nghe má nhắc. Hồng thì tỉnh rụi:
 
- Con còn trẻ mà, vài năm nữa có chồng cũng đâu có muộn má.
- Hồi xưa con gái mấp mé hàng ba (ba mươi tuổi) mà chưa chồng là khóc mẹ, khóc cha, còn mày sao không lo gì hết vậy con?
 
- Lo cũng đâu có được má, chừng nào duyên tới thì tới thôi, má đừng trông.
 
Má nhắc hoài cũng phải, Hồng cũng đã 28 tuổi rồi. Nghĩ người lớn cũng lạ. Hồi còn học cấp ba, Hồng thương thầm bạn lớp trưởng, bạn ấy cũng thích Hồng. Ba má thì lúc nào cũng căn dặn, thậm chí cả răn đe không được yêu đương sớm.
 
Hồng rất nghe lời ba má, những gì ba má không muốn, Hồng không bao giờ để cho ba má phiền lòng vì mình, ngay cả cảm xúc của tuổi mới lớn, Hồng cũng đã phải giấu kín trong lòng. Đến năm Hồng qua tuổi 25, ba má dỡ cái hàng rào đó hồi nào Hồng cũng chẳng biết, hối thúc Hồng lấy chồng.
 
Tần suất nhắc nhở càng ngày càng dày mà Hồng thì chưa thể làm vui lòng ba má được. Bởi từ lúc tốt nghiệp phổ thông, Hồng đã chọn con đường làm công nhân kiếm tiền phụ giúp ba má cho các em được tiếp tục học.
 
Đến nay thì hai đứa em kế đã học xong đại học và có việc làm ổn định, còn đứa em út mới vào đại học. Giờ là lúc Hồng an tâm lo cho mình một gia đình nhỏ, được quyền yêu đương mà không bị ba má “hăm mẻ răng”, nhưng cũng phải có thời gian chứ chồng ở đâu sẵn mà lấy.
 
Hồng nói với má duyên chưa tới, chứ thật tình từ lúc biết yêu người khác phái, Hồng chỉ yêu đơn phương anh chàng lớp trưởng đó thôi, từ đó đến giờ, Hồng có mở lòng với ai đâu mà duyên đến được. Phải chi hồi đó ba má không cấm cản thì bây giờ Hồng có đứa con lớn hơn bé Quyên, mà hổng chừng hai đứa rồi cũng nên.
***
Bé Quyên trở mình, hai tay nắm lấy cái lưng quần kéo xuống. Hồng ngồi bật dậy, chắc là bé mắc tiểu rồi đây. Hồng bế bé ra toa-lét. Không sai. Suýt chút nữa là cái nệm ướp mùi a-mô-ni-ăc rồi. Bé tiểu nhưng đôi mắt vẫn nhắm nghiền, mặt bé vẫn còn ngáy ngủ. Xong, Hồng bế bé trở lại đặt lên giường, nằm cạnh bé.
 
Hồng lại với tay lên đầu giường lấy cái điện thoại, bấm nút mở, 3 giờ sáng rồi mà Hồng vẫn chưa đưa ra được quyết định của mình.
***
Hôm qua, chủ nhật, như thường lệ Hồng đón bé Quyên về phòng trọ chơi. Khi thành phố lên đèn, dì Mười tạm xong công việc liền qua rước nhưng bé Quyên chẳng chịu về. Bé mải miết với con búp bê biết chớp mắt của Hồng mua cho. Hồng dỗ dành bảo bé bế em búp bê theo về với ngoại. Con bé vẫn không chịu. dì Mười bất lực nhìn con bé:
 
- Nó mến con quá, hổng ấy con nuôi nó luôn đi Hồng!
Tưởng dì Mười nói đùa, Hồng vui vẻ đáp liền không cần suy nghĩ:
- Dì Mười nói thiệt hôn, cho là con nuôi thiệt à nhen.
Dì Mười nghiêm mặt:
 
- Dì nói thiệt đó, không đùa đâu.
Hồng ngạc nhiên đưa mắt nhìn dì Mười, hỏi tới:
- Sao dì Mười nói vậy, bộ dì Mười hổng thương cháu ngoại sao? Còn mẹ nó nữa, dì Mười cho con, mẹ nó về chắc hổng để dì Mười yên à.
 
Dì Mười bước hẳn vào phòng trọ của Hồng, dì ngồi xuống chiếc giường cạnh con bé. Bé đang chơi với con búp bê không để ý đến hoạt động chung quanh. Dì Mười đưa tay nắm lấy bàn tay con bé kéo về phía mình, con bé rụt tay lại. Tay nó đang bận bế em búp bê nằm ngủ, hai mắt em búp bê khép lại chỉ thấy hai hàng mi đen cong vút.
 
Lúc nào bé muốn cho em búp bê thức thì bé dựng em búp bê đứng dậy, hai mắt em búp bê sẽ mở to ra nhìn bé. Con búp bê Hồng mới mua hồi sáng này, bé thích lắm, chơi cả ngày chưa chán.
- Con hổng chịu về ngoại về à. Vậy con ngủ ở đây luôn nhen?
- Ạ!
 
Con bé “ạ” ngọt xớt. Dì Mười nhìn nó lắc đầu rồi cười hiền. Nghĩ con Hồng cũng có khiếu dụ trẻ quá chứ. Tính ra con bé mới qua chơi với Hồng có bốn cái chủ nhật mà nó mến Hồng hơn bà ngoại nó, trong khi nó ở hẳn với dì Mười cũng mấy tháng rồi. Hổng lẽ nó với con Hồng có duyên hay sao?!
 
- Nó hổng chịu về thôi dì cho nó ngủ với con một đêm được hôn dì?
- Được à. Tối nay già này ngủ một giấc thẳng cẳng tới sáng, khỏi phải nửa đêm thức canh chừng si nó tiểu.
 
Dì Mười lớn tuổi mà phải nuôi đứa bé như vầy, thật tội cho hai bà cháu. Hồng thầm trách mẹ bé Quyên, sao không trực tiếp nuôi con mình. Chắc là cũng dang dở rồi đây, giờ để con cho mẹ nuôi còn mình đi tìm hạnh phúc mới. Một mẹ già, một con nhỏ. Nếu là Hồng, thì chẳng thứ hạnh phúc nào để cho Hồng phải đánh đổi tình mẫu tử thiêng liêng như vậy.
 
Hồng mạnh miệng nói với dì Mười:
- Sao dì không trả cháu ngoại cho con gái dì, chị ấy không nuôi dì thì chị ấy cũng phải có trách nhiệm với con của chị chứ!
 
- Dì làm gì có con gái. Dì nói với con dì độc thân thiệt mà con hổng tin sao?
Hồng vừa trợn mắt vừa há hốc miệng buông ra một tiếng “hả” rõ to. Nói vậy bé Quyên không phải là cháu ruột của dì Mười. Vậy chớ bé là con của ai, sao dì Mười lại cưu mang nó???
 
Giọng dì Mười chậm rãi: Cách nay 4 năm, có một người phụ nữ trẻ quê tận miền Trung vào đây ở trọ gần phòng của dì Mười. Cô vào thành phố một mình với đứa con trong bụng được ba tháng. Cô ấy yêu một chàng trai đã có gia đình nên khi biết cô mang thai anh ta trốn tránh. Gia đình cô buộc cô phải bỏ đứa con nhưng cô không thể bỏ núm ruột của mình.
 
Sợ ba mẹ xấu hổ với xóm giềng, cô một mình trốn nhà vào Nam sinh sống. Cô làm đủ thứ việc để kiếm tiền sinh con, nuôi con. dì Mười thương cảm cho hoàn cảnh cô gái, dì đưa cô đi sinh rồi rước cô về như người thân trong gia đình. Những ngày mới sinh ốm yếu, cô gái được dì Mười tới lui chăm sóc. Tới khi đứa bé tập nói, cô gái dạy bé kêu dì Mười bằng bà ngoại.
 
- Vậy mẹ của bé đâu rồi dì, sao con không thấy?
Dì Mười chùng giọng:
- Dì gửi nó trong chùa rồi.
 
Dì kể, mẹ bé mắc COVID-19 hồi đợt dịch đầu tiên. Do sức đề kháng yếu nên cô ấy không qua khỏi. Dì gửi tro cốt cô ấy trong chùa. Còn bé Quyên, từ khi mẹ nó mắc bệnh, mất đi cho đến giờ thì nó ở hẳn với dì. Có người biết hoàn cảnh bé mồ côi nên cũng chung tay với dì lo cho bé.
 
Như cháu trai chạy xe GRAP ở phòng trọ cách đây vài căn, biết rõ hoàn cảnh của bé Quyên nên tự nguyện đưa rước bé đi học, đâu có nhận đồng tiền xe nào của dì đâu, mà cháu ấy trách nhiệm lắm đó nhen, ai cũng tưởng cháu ấy là ba của bé, đưa rước rất đúng giờ, không bao giờ để bé phải chờ đợi. Rồi cô Trang ở nhóm trẻ gia đình cũng giữ bé Quyên miễn phí, có khi còn gửi sữa vào ba lô bé Quyên đem về nhà cho bé nữa.
 
Hôm qua, cán bộ phụ nữ của phường có lại phòng trọ trao đổi với dì về chuyện của bé Quyên. Họ nói chính quyền địa phương rất quan tâm đến những trẻ mồ côi vì dịch COVID-19. Họ bảo dì đưa bé Quyên vào nơi tập trung, ở đó có các cháu hoàn cảnh giống bé Quyên, có nhiều cô phụ nữ nhận làm “mẹ đỡ đầu” chăm sóc nuôi nấng các bé, có chế độ chính sách của Nhà nước nuôi bé đến trưởng thành.
 
 
Mới nghe qua dì rất mừng, đưa bé Quyên vào nơi tập trung là hợp lý, bởi vì dì ngày một lớn tuổi làm sao chăm sóc cho bé, bản thân dì cũng ở phòng trọ, thôi thì đưa bé vào nơi tập trung để bé được chăm sóc tốt hơn, nhưng dì gần gũi với bé, dì cũng mến tay mến chân lắm chứ. Hơn nữa, dì thấy có lỗi với mẹ nó, khi mẹ nó bị COVID-19, mẹ nó nói nếu có điều xấu nhất xảy ra thì cầu xin dì cưu mang giùm đứa nhỏ này.
 
Dì Mười lạc giọng, mắt dì đỏ hoe. Nước mắt Hồng cũng ứa theo. Hồng cảm thấy hối hận vì đã trách sai mẹ bé Quyên. Chị không phải là người mẹ bỏ con đi tìm hạnh phúc mới. Chị là một người mẹ yêu con từ khi còn trong bụng.
 
Và để bảo vệ con, chị phải rời bỏ quê hương, rời bỏ người thân, sống một cuộc đời khốn khó cốt để con được đến thế giới này, được sống bên cạnh con. Nhưng đó là một sự rời bỏ mà chị được quyền lựa chọn. Còn sự rời bỏ lần thứ hai này là định mệnh, chị không thể chiến thắng được những con virus nguy hiểm, chúng đã bắt chị phải xa rời núm ruột của mình. 
 
- Vậy rồi dì Mười tính sao?
- Thì tính đưa cho Nhà nước nuôi có tương lai tốt hơn sống với dì, đành thất hứa với mẹ nó vậy.
 
Ý dì Mười đã rõ ràng. Điều đó cũng đúng với hoàn cảnh hiện tại của dì. Hồng biết dì thương bé Quyên như đứa cháu ruột. Dì cũng khao khát một đứa con nhưng hoàn cảnh đã không cho dì có được diễm phúc làm mẹ. Nhưng, dì còn thấy được an ủi, thà vậy còn hơn là có đứa con khi nó chưa kịp trưởng thành mà mình mất đi để cho nó bơ vơ.
 
- Thôi tối rồi, dì về nhen, tối coi chừng si tiểu em nhen.
- Dạ, con nhớ rồi.
Dì Mười quay sang bé Quyên:
- Giờ hổng chịu về, ngoại về à nhen?
- Ạ!
 
Dì Mười dang hai tay ôm bé Quyên, kêu bé hôn má ngoại, bên đây rồi bên kia, bé làm theo răm rắp. Dì Mười cũng đáp lại bé bằng những cái hôn nhẹ nhàng rồi bước ra khỏi phòng trọ của Hồng, bước chân dì có vẻ chậm chạp hơn mọi ngày. Hồng nhìn theo dáng dì, hiểu được tâm trạng của dì, phải chi quay ngược thời gian, dì còn trẻ, có lẽ dì đã giữ bé Quyên lại bên mình.
 
Hồng cài cửa phòng, nằm xuống giường chơi với bé Quyên. Những trò chơi ngày bé của mấy chị em Hồng giờ được Hồng tái hiện lại. Hồng quỳ xuống giường làm chú bò bốn chân cho bé Quyên cỡi trên lưng, miệng Hồng kêu “ụm bò, ụm bò” rồi bò khắp giường. Bé cười giòn tan. Mệt mỏi Hồng ngã xuống giường, bé Quyên đòi chơi nữa.
 
Hồng lại trùm mền kín người làm chú chuột, hai tay chấp trước đầu làm mỏ chuột, miệng kêu “chít chít” đuổi bắt bé Quyên. Những bước chân lẫm chẫm chạy trên chiếc giường nhỏ, chạy tới đâu Hồng biết tới đó, nhưng Hồng giả vờ không bắt được Quyên. Mệt lừ, bé Quyên mới chịu ngừng. Hồng lau mồ hôi cho bé, bé nằm xuống chỉ vài phút sau là ngủ ngon lành.
 
“Nó mến con quá, hổng ấy con nuôi nó luôn đi Hồng!”- Lời nói của dì Mười buổi chiều tối khiến Hồng phải suy nghĩ. Bình thường, Hồng cũng đã có tình cảm với bé Quyên rồi, giờ lại biết thêm hoàn cảnh quá bi thương của bé, Hồng lại càng thương hơn. Vài tiếng đồng hồ nữa thôi, Hồng đã phải đưa bé Quyên về phòng trọ dì Mười, đồng nghĩa với việc chấp nhận xa bé Quyên. Cảm giác khó thở, Hồng nghe như có bàn tay vô hình đang bóp trái tim mình. 
 
Sự thổn thức của con tim đã mách bảo lý trí Hồng lựa chọn. Hồng sẽ nhận nuôi bé Quyên. Một chú chim non cần lắm đôi cánh ấm áp của mẹ ấp ủ. Hồng làm được điều đó, Hồng tin vào tình yêu thương của mình sẽ bù đắp những bất hạnh mà bé gặp phải. Điều Hồng lo lắng là ba má Hồng, liệu ông bà có đồng ý không khi Hồng nhận nuôi đứa bé này. Nhưng Hồng có lòng tin ở má, vì má Hồng cũng là con nuôi của ngoại thôi.
 
Hồi năm Hồng mới lớn, má lập cái hàng rào xung quanh Hồng kiên cố lắm, má cấm đoán Hồng chuyện yêu đương. Sợ chưa đủ thuyết phục, má đem chuyện đời mình kể cho Hồng nghe để Hồng biết mà tránh. Má Hồng là kết quả của một mối tình yêu đương sớm. Năm đó rằm lớn, bà ngoại Hồng đi chùa.
 
Vừa gần đến sát cổng chùa thì bà ngoại nghe tiếng trẻ con khóc. Bà ngoại nhìn quanh tìm kiếm thì thấy một đứa bé nằm trong cái thúng, cạnh bên có một vài bộ quần áo và một miếng giấy học trò. Bà ngoại bế đứa bé lên dỗ dành. Khi đứa bé ngưng khóc, bà lấy tờ giấy mở ra xem.
 
Dòng chữ bằng mực tím viết trên giấy học trò, nội dung vì còn đi học nên không nuôi được đứa bé, nét chữ không ngay thẳng và có những chữ bị nhòe đi, có lẽ do nước mắt của người mẹ trẻ. Bà ngoại động lòng trắc ẩn đem đứa bé về nuôi, đó là má Hồng bây giờ. Nếu má Hồng không nói ra có lẽ không ai nghĩ đây là mẹ con nuôi. Bà ngoại rất thương má Hồng.
 
Má Hồng thường nói công dưỡng còn lớn hơn công sinh nên má rất yêu thương và biết ơn ông bà ngoại. Hoàn cảnh bé Quyên có khác gì má Hồng lúc nhỏ, chắc là ba má Hồng cũng không phản đối việc Hồng nhận nuôi bé Quyên đâu. Nghĩ tới chuyện đó, Hồng thở phào nhẹ nhõm. Hồng nghĩ tới gương mặt của dì Mười sáng nay khi nhận được tin Hồng sẽ nhận nuôi bé Quyên, chắc là dì vui lắm.
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
***
Bên ngoài, loa phát thanh đã vang lên nhịp đếm 1, 2, 3, 4 rộn ràng của bài tập thể dục buổi sáng. Năm giờ rồi, một ngày mới đã thật sự bắt đầu. Một đêm không ngủ nhưng Hồng không cảm thấy mệt mỏi, Hồng cũng đã kịp đưa ra một quyết định đem lại niềm vui cho chính mình, cho bé Quyên, cho dì Mười và nhất là cho mẹ bé Quyên, chị ấy sẽ yên lòng khi núm ruột yêu thương của mình đã có Hồng thay chị nuôi nấng. 
 
Hồng ngồi bật dậy, vuốt nhẹ tóc bé Quyên rồi mỉm cười. Từ nay mẹ Hồng sẽ bảo vệ con, con cứ ngủ ngon con nhé. Hồng mở cửa phòng trọ bước ra ngoài, hít thở theo nhịp đếm bài thể dục buổi sáng trên loa phát thanh. Xong bài tập, Hồng đi thẳng tới phòng trọ của dì Mười.