Đến với những bài thơ hay

"Cụ già và chiếc ba lô" của tác giả Vũ Duy Thông

Cập nhật, 12:50, Chủ Nhật, 27/12/2015 (GMT+7)

Bài thơ ngắn, giống như một chuyện kể trong thể loại truyện ngắn cực ngắn. Một người từng là bộ đội, tình cờ gặp trên tàu một người cha lặn lội đường xa đi nhận hài cốt con trai đã hy sinh, đưa về quê…

Câu chuyện có thể trải dài ra trong một cuốn tiểu thuyết hoặc dựng thành phim, như người ta đã từng thực hiện những bộ phim lay động lòng người.

Ở đây chỉ là những lời tâm sự mộc mạc:

            Tôi gặp trên tàu một cụ già

            Mang trên vai chiếc ba lô cũ

            Phần còn lại của con trai cụ

            Từ chiến trường xa

            Cụ đến nhận về

Hai câu, tám chữ tường thuật đơn giản: Từ chiến trường xa. Cụ đến nhận về! Đoạn đường cụ già đã trải để được “nhận về phần còn lại của người con trai”, bài thơ không kể. Và có lẽ, cũng không thể kể.

Đấy chỉ là cuộc gặp tình cờ, người làm thơ lặng lẽ quan sát. Người cha già lặng thầm với con trai... Người cha ấy ngày tiễn con trai lên đường chắc là chưa già lắm. Chiến tranh đã lùi xa lâu rồi.

Bao năm mong ngóng, hy vọng, kiếm tìm. Để rồi một ngày lặn lội đến “chiến trường xa” (đúng hơn, là nơi đã từng là chiến trường xa, nơi người con trai ngã xuống...). Người con trai, còn lại một phần, nằm gọn trong chiếc ba lô cũ, bé bỏng, trên vai cha. Ngắn gọn thôi, ít từ thôi, mà sao từ nào cũng nặng! Chiếc ba lô có đè trĩu thêm đôi vai vốn đã còng theo tháng năm mỏi mòn?

Tứ thơ chân thực, khái quát nhiều điều- cả nỗi đau của người cha, cả niềm đau của người viết.

Nhưng, đến mấy câu thơ tiếp theo, mới thực sự khiến người đọc đau:

Tàu chật nêm cụ ngồi giữa lối đi

Đôi bàn tay đôi mảnh gáo dừa bẻ vỡ

Cứ khum khum che chở chiếc ba lô

Sợ ai giẫm vào đứa con đang ngủ.

“......”

Ai từng chen chúc trên những chuyến tàu Bắc Nam, những chuyến tàu chợ của một thời sau chiến tranh chưa xa; hẳn sẽ hình dung được cảnh tượng “Tàu chật nêm cụ ngồi giữa lối đi”.

Chung quanh lèn chặt, nồng nặc người, đinh tai tiếng cười, tiếng nói, cả tiếng thở than chửi rủa. Con cụ thì... chỉ một nhúm xương thôi, gọn nằm trong chiếc ba lô cũ. Người cha bỗng trở thành biểu tượng của sự chở che tuyệt đối qua đôi tay được khắc họa độc đáo: “Đôi bàn tay đôi mảnh gáo dừa bẻ vỡ”.

Hình tượng gân guốc, và là của một đời sương gió, một đời vất vả cực nhọc trên những mảnh đất đói nghèo.

Đôi bàn tay ấy ngày xưa nâng niu đón con trai chào đời, dẫn dắt con từng bước chập chững... và đưa con dâng tặng cho Tổ quốc. Đôi bàn tay ấy, giờ đây “khum khum” ngăn chặn những bước chân vô tình của người đời, canh cánh nỗi “sợ ai giẫm vào đứa con đang ngủ”.

...Người ta hay diễn tả nỗi đau của người mẹ trong những cảnh huống như thế này. Trong những cảnh huống như thế này, có lẽ mẹ sẽ khóc. Nhưng cha thì hình như không. Làm thế nào so sánh mức độ đau đớn? Mẫu tử tình thâm thì phụ tử cũng tình thâm.

Có điều, giá mà bật khóc được... Giá mà... Đoạn thơ bỗng trở nên trang trọng, thiêng liêng lạ thường.

Cha không khóc. Mà có một điều gì đó đang choán hết tâm hồn, làm vơi bớt nỗi buồn trong lòng cha? Một cảm giác thanh thản, có phải? Vì rằng, dù thế nào đi nữa, ước nguyện của cha đã thành. Con trai cha đang ngủ kia, “bình yên” trong đôi bàn tay bao dung vững chãi...

Nhưng người làm thơ không thanh thản:

Tàu dừng ga lẻ dọc đường

Tôi đỡ cụ xuống bậc toa rét gió

Đêm sẫm chạy gió nhòa đi cả

Tấm lưng trần người bố cõng con

 

Tôi ngỡ mình với người đồng đội ấy

Đã cùng nhau

Xuống ga lẻ dọc đường

...

Xuống ga lẻ, trong đêm sẫm màu giá rét, và một mình. Những cụm từ, những hình ảnh được Vũ Duy Thông sử dụng thật đắt. Nhưng dường như tác giả không cố ý tìm từ. Cảm xúc thơ bật ra tự nhiên với hình tượng đặc tả: “Tấm lưng trần người bố cõng con”. 

Bỗng dưng bài thơ chỉ còn làm người đọc bùi ngùi, mà không đau đớn nữa. Cụ già đâu phải một mình thui thủi trong đêm đen rét gió. Cụ đang cõng con trai, như ngày xưa cha con thung thăng trên đường làng, đấy thôi.

Người chết sống mãi; và ý nghĩa của từng giây phút được tồn tại trở nên sáng đẹp hơn bao giờ, cao quý hơn bao giờ... khi người còn sống đồng hành với người đã hy sinh, cùng bước đi trong cuộc đời... 

DƯƠNG THANH THANH