Cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp: Đã vui nhưng còn trăn trở...

Cập nhật, 13:32, Thứ Năm, 05/05/2016 (GMT+7)

Nghị quyết 95 của HĐND tỉnh khóa VIII quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp- khóm, đã tạo thêm niềm vui và động lực cho đội ngũ này an tâm công tác.

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Nghị quyết hợp lòng

Hiện toàn tỉnh có trên 2.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Họ là cấp phó các đoàn thể, đoàn thể chính trị xã hội; ủy ban kiểm tra đảng ủy; tổ chức Đảng; tuyên giáo; khối vận; phó trưởng công an; phó chỉ huy trưởng quân sự... cấp xã.

Trong những năm qua, lực lượng này đã có nhiều đóng góp trong công tác phát triển kinh tế- xã hội và giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trước đây, nhiều người hoạt động không chuyên trách cấp xã có quá trình làm việc lâu dài nhưng phụ cấp quá thấp, dẫn đến tâm lý không yên tâm công tác.

Cụ thể, từ năm 2010 trở về trước, chế độ phụ cấp, tiền lương của cán bộ cấp cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách (chỉ hưởng phụ cấp 1.0 và không còn khoản nào thêm).

Từ năm 2014, thực hiện Nghị quyết 95 của HĐND tỉnh khóa VIII, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp đã được hỗ trợ thêm.

Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Lộc (Tam Bình) cho biết, ông tham gia công tác ở xã 20 năm và đảm nhiệm vị trí trên khoảng 10 năm trở lại đây. Ông kể: “Công việc ở xã lúc nào cũng có, đặc biệt là công tác mặt trận thì “trận nào cũng có”.

Từ việc vận động người dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư như làm hàng rào, cột cờ, đặc biệt gần đây có phong trào xây dựng nông thôn mới thì công việc càng nhiều hơn”.

Nếu trước đây, phụ cấp của ông chỉ được 1.0 thì từ khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, phụ cấp của ông tăng lên 1.48 nên cũng “đỡ hơn trước một chút”.

Ông Nguyễn Thanh Hải- Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Thuận Tiến (xã Thuận An- TX Bình Minh) có thâm niên trên 30 năm công tác ở ấp. Ông kể, đã làm bí thư chi bộ rồi trưởng ấp 7 nhiệm kỳ liên tiếp, sau này thì phụ trách công tác mặt trận ấp kiêm phó bí thư chi bộ.

Ông nhớ khoảng năm 2002, lúc đó làm bí thư chi bộ được phụ cấp 200.000 đ/tháng, các ban ngành ấp mỗi người 80.000 đ/tháng “nhưng chúng tôi vẫn làm việc tốt”.

Theo ông, công việc ở ấp làm hoài không hết: “Như lĩnh vực của tôi lúc nào cũng đi. Hết vận động dân làm cầu, đường, hàng rào, cột cờ thì còn nhiều công tác chuyên môn khác.

Bây giờ thì đỡ hơn rồi, nếu bí thư kiêm trưởng ấp thì được phụ cấp 1.5, còn tiền hoạt động ấp hàng tháng cũng được 2,5 triệu đồng. Với sự trợ cấp trên, anh em cũng được “an ủi” cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Vẫn còn băn khoăn 

Nếu quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Nếu quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.

Theo phản ánh của một số cán bộ cấp cơ sở, nhất là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp thì mức phụ cấp mới vẫn còn nhiều băn khoăn.

Bí thư Xã Đoàn Tân Long Hội (Mang Thít) Lê Thanh Tâm cho biết: “Hiện tại tôi hưởng mức phụ cấp 1.27, nói chung có thể gói ghém được. Tuy nhiên, hiện tôi vẫn còn độc thân, nếu sau này lập gia đình phải nuôi thêm vợ con thì… cũng hơi khó khăn”.

Theo Nghị quyết số 95 của HĐND tỉnh khóa VIII, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ 1.10 đến 1.75/tháng nhân với mức lương cơ sở. Theo đó chế độ phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, bí thư chi bộ kiêm nhiệm trưởng ấp được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.50/tháng nhân với mức lương cơ sở (nếu không kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.0/tháng); trưởng ban công tác mặt trận ấp được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.0/ tháng nhân với mức lương cơ sở; phó trưởng ấp được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0.6/tháng nhân với mức lương cơ sở.

Ông Võ Sơ Kiệt- Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội (Mang Thít) cho biết, hiện nay đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng phụ cấp từ 1.1 đến 1.75 và dù có thâm niên bao nhiêu năm thì vẫn hưởng lương cố định theo quy định. 

Theo phân tích của ông, mức lương, phụ cấp hiện tại chưa đảm bảo đời sống gia đình của cán bộ, công chức, viên chức xã, ấp.

Mặt khác, đa số họ còn trẻ, thâm niên công tác và hệ số lương còn thấp, một số phải tranh thủ làm thêm công việc khác ở gia đình để trang trải cuộc sống (trồng trọt, chăn nuôi…).

Theo một số cán bộ cơ sở, với mức phụ cấp này thì một mình có thể sống được nhưng lo cho gia đình, con đi học thì không thể đảm bảo, đó là chưa kể nhiều chi phí khác...

Qua tiếp xúc với nhiều cán bộ cơ sở, đặc biệt là người hoạt động không chuyên trách, hầu hết đề nghị tỉnh nên có chính sách cải thiện hơn nữa giúp cho lực lượng này công tác tốt hơn.

Cụ thể, nên cho lực lượng người hoạt động không chuyên trách được tham gia BHXH để có thể hưởng chế độ hưu sau này, và nếu như có bằng đại học nên tính theo bằng chứ không nên quy định “cứng” chỉ được hưởng mức phụ cấp 2.16 trong suốt khoảng thời gian làm việc của mình.

Có thể nói, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp là một bộ phận quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Và việc ban hành Nghị quyết 95 đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những người hoạt động không chuyên trách làm việc ở cấp xã, là động lực để họ phấn đấu phục vụ lâu dài ở cơ sở.

Những người hoạt động không chuyên trách được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT; khi nghỉ việc được trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng mức phụ cấp theo chức danh hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp kiêm nhiệm); khi từ trần mà không được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định khác thì được hỗ trợ một lần tiền mai táng phí bằng 5 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đảm nhiệm.

Bài, ảnh: BÙI THANH