Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/2021)

Công tác kỹ thuật hải quân góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đường Hồ Chí Minh trên biển

Cập nhật, 15:34, Thứ Tư, 20/10/2021 (GMT+7)

 

 

Cục Kỹ thuật Hải quân đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2015
Cục Kỹ thuật Hải quân đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2015

(VLO) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình cách mạng, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng ta đã quyết định mở 2 con đường chiến lược: đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn vận tải thủy, có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường thủy mang tên Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125. Từ đó, ngày 23/10 hàng năm trở thành Ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển và cũng là ngày thành lập Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 ngày nay.

Đến tháng 8/1963, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chuyển Đoàn 759 trước đây do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy về trực thuộc Cục Hải quân (sau này là Bộ Tư lệnh Hải quân). Từ đây, ngành kỹ thuật hải quân có nhiệm vụ bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cùng với các lực lượng trong quân chủng, ngành kỹ thuật hải quân đã có những đóng góp thầm lặng nhưng quan trọng, góp phần bảo đảm kỹ thuật cho những chuyến tàu vượt biển, vượt qua vòng vây ráp của hải quân Mỹ, ngụy, kịp thời bảo đảm vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật cho nhân dân miền Nam đánh giặc.

Thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ, ngành kỹ thuật hải quân gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Các anh lần đầu tiên đảm bảo cho những chuyến đi biển dài ngày trong điều kiện đặc biệt khó khăn trong khi phương tiện tàu thuyền nhỏ, sức chịu đựng sóng gió thấp, máy móc thường xuyên hỏng hóc, lực lượng thợ kỹ thuật của ta còn mỏng.

Đồng thời địch ngăn chặn, đánh phá quyết liệt nên khi gặp giông bão, bị ngăn cản phải đi theo đường vòng, để bảo vệ được tàu, con người, hàng hóa, đặc biệt là việc bảo vệ bí mật cho tuyến đường.

Nhiệm vụ đầu tiên ngành kỹ thuật hải quân thực hiện là tích cực xây dựng lực lượng kỹ thuật và cơ sở bảo đảm kỹ thuật.

Được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị lựa chọn, điều động các cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn tốt đồng thời ưu tiên bổ sung những đồng chí đã qua đào tạo cơ bản trong và ngoài nước về công tác tại Đoàn 759.

Đặc biệt, Xưởng 46 đã cử nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao tham gia đóng tàu thuyền và lắp ráp vũ khí, trang bị cho những thuyền vỏ gỗ giả dạng, tàu vỏ sắt được Bộ Quốc phòng và Cục Hải quân đặt đóng cho Đoàn 759 tại các cơ sở đóng tàu ở Hải Phòng.

Về xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật cho đường Hồ Chí Minh trên biển, Cục Hải quân và các cơ quan nhà nước đã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện và xây dựng các cơ sở bảo đảm kỹ thuật cho Đoàn 759 tại cảng Bính Động (K20), bến Nghiêng (Đồ Sơn), bến Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Xưởng 46 là cơ sở bảo đảm kỹ thuật chịu trách nhiệm chính cùng với Trạm kỹ thuật của Đoàn 759 sửa chữa các tàu thuyền hư hỏng sau các chuyến đi của đoàn.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, các vật tư, thiết bị máy móc của Đoàn 759 được kịp thời sơ tán đến những hang hầm kiên cố hoặc cất giấu trong rừng và phân tán trong nhân dân, lực lượng kỹ thuật của Xưởng 46 tổ chức các đội sửa chữa cơ động đến tận các tàu sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật.

Được sự giúp đỡ của nước bạn, ta bí mật xây dựng căn cứ hậu cần kỹ thuật (A2, A3) trên đảo Hải Nam phục vụ sửa chữa tàu thuyền.

Ở phía Nam, nằm trong vùng kiểm soát của địch, cũng đã phối hợp cơ sở công nghiệp địa phương khẩn trương xây dựng bến bãi, bảo đảm nơi neo đậu, trú ẩn, tập kết hàng bảo đảm bí mật, an toàn.

Quân ủy Trung ương cũng chỉ đạo Ban Quân sự Miền thành lập Đoàn 962 ở miền Tây và Đoàn 1500 ở miền Đông Nam bộ để tiếp nhận, vận tải vũ khí từ các tàu của Đoàn 759 đưa đến khắp các chiến trường miền Nam.

Một nhiệm vụ quan trọng của ngành kỹ thuật hải quân là nghiên cứu, cải tiến, chế tạo các loại phương tiện vận tải phù hợp với đặc điểm chiến trường và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Khi tổ chức Đoàn 759, lúc đầu chưa có phương tiện thực hiện nhiệm vụ, Quân chủng đã đặt cơ sở đóng tàu I Hải Phòng đóng 4 chiếc tàu vỏ gỗ, trọng tải 35 tấn, sau đó nhanh chóng hoàn thành thiết kế loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn, đặt Xưởng đóng tàu III Hải Phòng thi công 5 chiếc cho Đoàn 125. Tính đến tháng 9/1964, Đoàn 759 đã được trang bị 20 tàu, gồm 17 tàu vỏ sắt và 3 tàu vỏ gỗ.

Sau sự kiện Vũng Rô (tháng 2/1965), yếu tố bí mật của nhiệm vụ vận tải trên biển không còn, ngành kỹ thuật hải quân đã nhanh chóng nghiên cứu, cải dạng một số tàu dạng gọn nhẹ, tốc độ cao để thực hiện nhiệm vụ.

Quân chủng phối hợp với Xí nghiệp đóng tàu Kiến An và Xí nghiệp X25, Tổng cục Thủy sản đóng các tàu cá giả dạng mẫu tàu đánh cá nhân dân Khu 5, Nam Bộ.

Đặc biệt từ năm 1968, Xưởng 46 được giao nhiệm vụ thi công các thuyền vận tải giả dạng ký hiệu VT-10 sử dụng làm phương tiện vận tải chính vào chiến trường miền Nam.

Bộ đội kỹ thuật cho tàu chở vũ khí thiết bị kỹ thuật tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Bộ đội kỹ thuật cho tàu chở vũ khí thiết bị kỹ thuật tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Đến tháng 4/1971, Quân chủng tiếp tục giao cho Cục Kỹ thuật phối hợp với các địa phương đóng 19 thuyền giả dạng thuyền đánh cá của ngư dân Nam Bộ, thuyền vỏ gỗ, dài 20 đến 30m, trọng tải 20 đến 30 tấn, được đóng 2 đáy để cất giấu vũ khí và ngụy trang che mắt địch.

Ngoài ra, Cục Kỹ thuật còn được giao nhiệm vụ cải dạng các tàu Đoàn 125 thành tàu chở dầu, tàu nghiên cứu biển... để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa khi có thời cơ thuận lợi.

Ngành kỹ thuật hải quân cũng chú trọng công tác huấn luyện kỹ thuật, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi các thao tác sử dụng và sửa chữa máy móc, vũ khí trang bị bảo đảm cho tàu hoạt động an toàn với phương châm “giỏi một ngành, biết nhiều ngành”.

Trong điều kiện đi biển dài ngày, thời tiết khí hậu, thủy văn phức tạp, khó khăn trong xác định luồng lạch, bến bãi, đòi hỏi tác nghiệp bằng thiên văn do vậy phải tập trung huấn luyện xen kẽ, vừa huấn luyện tập trung tại các cơ sở bảo đảm kỹ thuật X46, X48, trường Huấn luyện bờ bể vừa học tập tại chức, hình thức vừa học, vừa làm, trao đổi kinh nghiệm.

Qua đó đã xây dựng được đội ngũ sĩ quan hoa tiêu giỏi, đội ngũ cơ điện, thợ máy thành thục thao tác, vận hành và sửa chữa các sự cố hỏng hóc trên biển, đội ngũ báo vụ, thông tin, hàng hải có thể bám sát mục tiêu trên bờ, trên đảo điều động các tàu đến bến, đến đảo an toàn.

Sau gần 15 năm (1961- 1975), với sự cố gắng, bền bỉ, nỗ lực không ngừng, lực lượng vận tải quân sự đường biển của Hải quân đã tổ chức gần 560 lượt chuyến tàu, vận chuyển 19.041 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 117.000 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam và Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những thành tích tiêu biểu xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 3329/QĐ-CTN trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Cục Kỹ thuật Hải quân.

Từ thực tiễn công tác kỹ thuật hải quân trong vận tải quân sự đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng.

Lực lượng Xưởng 46/CKT cùng chuyên gia Liên Xô sửa chữa máy tàu
Lực lượng Xưởng 46/CKT cùng chuyên gia Liên Xô sửa chữa máy tàu

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, Cục Kỹ thuật cần nghiên cứu nắm chắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, chủ động tham mưu cho đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh các chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác kỹ thuật cho Quân chủng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật “vừa hồng, vừa chuyên”, có ý thức tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường xây dựng, củng cố cơ quan, đơn vị cục và các cơ sở đảm bảo kỹ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng bộ; triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sửa chữa.

Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động 50 và 02 đột phá của ngành kỹ thuật hải quân là “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chú trọng vào hiện đại hóa, nội địa hóa một số chủng loại vật tư kỹ thuật đặc chủng, khan hiếm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng ngành kỹ thuật và Cục Kỹ thuật chính quy, hiện đại theo lộ trình.

Tích cực xây dựng Đảng bộ Cục trong sạch, vững mạnh, Cục vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tiến hành công tác kỹ thuật, góp phần cùng các lực lượng trong Quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: CỤC KỸ THUẬT HẢI QUÂN