Kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/2019)

Tiếp tục phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam

Cập nhật, 05:19, Thứ Năm, 07/11/2019 (GMT+7)

Cứ gần đến kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thì các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại rêu rao cho rằng cùng với sự kiện Liên Xô sụp đổ, lý tưởng về chủ nghĩa xã hội do Cách mạng Tháng Mười khởi xướng “đã chết”. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”.

Giương cao ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản V.L. Lênin trong một cuộc tuần hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ở TP Stavropol...Nguồn: AFP/TTXVN
Giương cao ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản V.L. Lênin trong một cuộc tuần hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ở TP Stavropol...Nguồn: AFP/TTXVN

Đối với chúng ta, cần khẳng định rằng những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn cùng với tiến trình lịch sử đi lên của nhân loại.

Trên cơ sở bản Luận cương của V.I.Lênin, năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười- con đường duy nhất đúng đắn, Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu và nhìn nhận khách quan về lịch sử, thấy được nguyên nhân sự sụp đổ Liên Xô để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp nhằm giữ vững chế độ và sự trường tồn của dân tộc ta.

Thứ nhất, rõ ràng là những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chậm hoặc không được khắc phục, đã trở thành cản trở đối với sự phát triển.

Cũng như bất kỳ mô hình phát triển nào của nhân loại đều tiềm ẩn trong đó những khiếm khuyết và hạn chế, cần được điều chỉnh và khắc phục trong quá trình phát triển.

Đó là quy luật tất yếu. Ngay cả mô hình chủ nghĩa tư bản trong hàng trăm năm phát triển từ thế kỷ XVII tới nay cũng đã từng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế nhưng đã được chính phủ nhiều nước tư bản tự điều chỉnh và khắc phục.

Trong khi đó, những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã chậm hoặc không được khắc phục và điều chỉnh.

Thứ hai, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ khi V.Lênin qua đời, những cảnh báo của ông về các căn bệnh của chính quyền Xô Viết đã bộc lộ, làm thui chột tính tích cực và tính sáng tạo của quần chúng.

Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô Viết xa rời quần chúng, trở nên tha hóa và đánh mất niềm tin của người dân, đồng nghĩa với việc đánh mất vai trò lãnh đạo.

Thứ ba, tập đoàn lãnh đạo đứng đầu là Gorbachev tự tô vẽ mình thành chiến sĩ cộng sản Lêninnit nhưng trên thực tế đã phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra, thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau đã thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội.

Thứ tư là chiến lược chống phá toàn diện của Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm tan rã Liên Xô. Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Mỹ đã phát động Chiến tranh lạnh, thực chất là thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình để chống phá Liên Xô.

 Trong đó, cuộc chiến tranh thông tin- tư tưởng- tâm lý do Mỹ tiến hành, kéo dài gần 40 năm với chi phí lên tới gần 1.000 tỷ USD.

 Hiện nay các thế lực thù địch trên thế giới cũng vẫn đang ráo riết tiếp tục tiến hành chiến tranh thông tin- tư tưởng nhằm xuyên tạc ý nghĩa và giá trị của Cách mạng Tháng Mười, bác bỏ học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ sự kiện Liên Xô sụp đổ và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước từ Đại hội Đảng lần thứ VI theo nguyên tắc chỉ đạo là: đổi mới phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Xét về bản chất, những hạn chế và khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô không xuất phát từ những lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười và hoàn toàn có thể khắc phục được.

Điều này đã được minh chứng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập ở Việt Nam, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn không thể phủ nhận.

Nhờ đó, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội từ Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được phát triển và phát huy trong điều kiện mới nhằm mục đích nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân.

Những năm tới, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thuận lợi, đan xen khó khăn, thách thức đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng- an ninh là trọng yếu thường xuyên.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, trong bối cảnh 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp.

Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức quản lý và điều hành thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị còn chưa cao; các phần tử cơ hội chính trị, phản động ra sức chống phá, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Để vượt qua các trở ngại này, một trong những giải pháp mà Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh là: Phải quyết tâm rất cao; kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tăng cường bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN SAN