Sẽ ưu tiên xây dựng NTM vùng căn cứ địa cách mạng

Cập nhật, 18:44, Thứ Tư, 06/11/2019 (GMT+7)

Ngày 6/11/2019, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại hội trường, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- có ý kiến tranh luận xung quanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

*Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh: Vừa qua tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long cũng như gặp rất nhiều cán bộ, đặc biệt là cán bộ lão thành cách mạng kiến nghị, trong thời gian đầu chúng ta thực hiện mục tiêu NTM thường tập trung vào những xã dễ và có điều kiện.

Nhưng bây giờ còn rất nhiều vùng, đặc biệt là các xã an toàn khu, các xã vùng căn cứ kháng chiến thường là những xã ở vùng sâu nên chưa được quan tâm, rất nhiều cán bộ lão thành và các xã căn cứ kháng chiến có công với cách mạng mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư các chương trình NTM cho các xã này, vì chúng ta đầu tư hạ tầng cũng chính là động lực để kéo theo các tiêu chí khác. Xin hỏi quan điểm Bộ trưởng thế nào và bao giờ thì sẽ quan tâm đầu tư các vùng này?

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, những vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu, vùng căn cứ địa cách mạng đang có kết quả xây dựng NTM rất thấp, thua so với vùng khác, tôi xác định đây hoàn toàn đúng.

Nguyện  vọng  chúng  ta  phải  tập  trung  chăm  lo  vùng  này  hơn, đó là  một  yêu  cầu  và  trách nhiệm của chúng ta.

Giải pháp tới đây, Thủ tướng đang giao nhiệm vụ cho ngành đánh giá kết quả 10 năm xây dựng NTM nhằm hoàn thiện lại báo cáo, trong đó sẽ có một nội dung là đề xuất nguồn lực cho giai đoạn mới, đề xuất phương thức, đây là nhóm đối tượng đầu tiên chúng ta phải chú ý. Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất chính xác, chúng tôi xin ghi nhận để tiếp tục tham mưu cho giai đoạn tới 2021- 2025.

Chúng ta vừa mới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bên cạnh những thành tựu đạt được rất toàn diện và phải nói là bứt phá, Thủ tướng Chính phủ đã dùng “một từ” trong tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 10 năm tại Nam Định đó là: "một kết quả lịch sử".

Toàn bộ các thiết chế hạ tầng chúng ta chỉ trong vòng 9 năm được nâng lên với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư. Một đất nước trong một thời gian rất ngắn như vậy mà 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, đây là một sự cố gắng vượt bậc.

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt tồn tại, đó là đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu mục tiêu ban đầu chỉ 2,5 lần, nhưng so với thực tế, so với yêu cầu và với nguyện vọng của chúng ta thì vẫn còn thấp.

Ngoài ra, một chỉ tiêu chất lượng chưa đảm bảo đó là về môi trường. Hiện nay, mới đảm bảo có 63,7% số xã có thu gom rác thải.

Đây là bước thu gom còn xử lý triệt để theo công nghệ mới lại hoàn toàn khác nữa. Song song đó, đã hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn và dù đã định dạng ra được nhưng chưa thành phổ biến…  

Từ những tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp  cùng  các  ngành  khác  chuẩn  bị  tham  mưu  để  giai  đoạn  2021- 2025  định dạng cho rõ, tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, tập trung nhóm giải pháp phải giải quyết cho được những nút thắt, những vấn đề còn tồn tại. Đó là thúc đẩy sản xuất, là văn hóa xã hội; là vấn đề môi trường; là tổ chức sản xuất lớn…  

TÂM THI (ghi)