Hai phương án trong "trách nhiệm chủ trì" tiếp thu, chỉnh lý dự án luật

Cập nhật, 19:38, Thứ Năm, 21/11/2019 (GMT+7)

Sáng 21/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm xoay quanh vấn đề trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh và phân biệt rõ văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Theo Tờ trình và dự thảo Luật, Chính phủ trình 02 phương án: Phương án 1, sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan trình trong việc tiếp thu, chỉnh lý. Phương án 2, cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Khi chủ thể giải trình không phải là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như khoản 7 của dự thảo Luật thì sẽ rất khó định lượng được sự ủng hộ của Quốc hội để thông qua luật, nhất là khi việc tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH không thỏa đáng.

Từ những phân tích này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị không nên đặt ra phương án “đổi vai” đồng thời bổ sung quy định để bảo đảm quy trình phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan trình luật để bảo đảm tính chặt chẽ và rõ trách nhiệm của từng bên.

Về lâu dài, có thể tham khảo cách làm của Quốc hội một số nước là bên cạnh Ủy ban pháp luật nên chăng Quốc hội có một cơ quan xây dựng pháp luật gồm các chuyên gia giỏi về các lĩnh vực để giúp Quốc hội có thể thiết kế, hoàn thiện dự thảo luật, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp và bảo đảm hiệu quả trong công tác lập pháp.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay, tránh xáo trộn. Thực tế cho thấy việc giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng tốt, một số vấn đề vướng mắc, bất cập là do quá trình thực thi chưa tốt, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình này. Song, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay, tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đặt vấn đề: Thời gian qua, việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đã thực chất hay chưa, đã tiếp thu được ý kiến của nhân dân, chính kiến của ĐBQH chưa?

Theo ĐB Quyết Tâm, cơ quan nào chủ trì tiếp thu cần đánh giá lại tác động của vấn đề này trên cơ sở khách quan, lý luận rõ ràng, kết tinh được ý chí của nhân dân, vai trò, quyết định của ĐBQH trong tham gia quá trình xây dựng luật.

Nêu thực trạng thời gian qua, có tình trạng luật ban hành vài năm đã phải sửa đổi, việc sửa đổi là do yêu cầu thực tế cuộc sống hay chất lượng chưa tốt? Hay tình trạng các dự án luật thường xuyên “rút ra, cho vào”, “vừa thiết kế vừa thi công”..., ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đặt câu hỏi: Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo ĐB Mai Hồng Hải, nguyên nhân sâu xa là do công tác hoạch định chính sách và phân tích chính sách. Phân tích chính sách hiệu quả là tiền đề quan trọng trong xây dựng luật, cần được quan tânm, chú trọng.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) lại nêu thực tế, hiện nay còn lẫn lộn giữa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và văn bản không phải quy phạm pháp luật là một trong những vướng mắc kéo dài hiện nay. Do đó, đại biểu đề nghị, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL lần này cần theo hướng liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, trong thực tiễn có những loại văn bản về mặt hình thức không phải văn bản pháp luật nhưng lại chứa nội dung quy phạm pháp luật, gây hậu quả rất lớn. Đại biểu đưa ra ví dụ dẫn chứng, vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản thu hồi đất trái thẩm quyền. Ở đây, câu chuyện là Thủ tướng chỉ có quyền bãi bỏ VBQPPL của HĐND mà không có quyền bãi bỏ văn bản không phải quy phạm pháp luật của Thường trực HĐND tỉnh. Đại biểu cho rằng, đây chính là lỗ hổng về mặt quyền lực và đề nghị trong trường hợp văn bản không phải quy phạm pháp luật nhưng lại chứa đựng quy phạm pháp luật thì cần có biện pháp xử lý không chỉ về mặt văn bản, hậu quả pháp lý của văn bản mà còn cả về cán bộ.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị, nghiên cứu sửa luật lần này căn cơ hơn, nhằm bảo đảm tính kỷ cương, kỷ luật trong ban hành VBQPPL, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình ban hành VBQPPL, bảo đảm việc hành VBQPPL thực sự có chất lượng, vì quyền lợi chung của đất nước, tránh tình trạng lợi ích nhóm trong ban hành VBQPPL.

Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn