Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII): Thảo luận tình hình kinh tế- xã hội

Cập nhật, 08:02, Thứ Năm, 04/10/2018 (GMT+7)

+ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), sáng 3/10/2018, Trung ương thảo luận tại hội trường về báo cáo tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Các ủy viên Trung ương cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề, đóng góp ý kiến về phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, năm 2018 tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tình hình biển Đông cũng có những diễn biến mới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, như lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở cả 3 miền. Tình hình ấy tác động, chi phối sâu sắc đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, đối ngoại của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan, đoàn thể xã hội, 9 tháng đầu năm cũng như dự kiến năm 2018 có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, các mục tiêu an sinh xã hội đã được thực hiện tốt, tiềm lực quốc phòng- an ninh được tăng cường, củng cố. Chúng ta bảo vệ được vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số tồn tại, nổi lên là việc giải ngân vốn đầu tư công, thủ tục liên quan đến một số bộ, ngành còn chậm. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường phân cấp cho các địa phương rất mạnh, nhưng thực tế có nhiều vấn đề chưa được thực hiện, vì vậy nhiều thủ tục đang còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Vẫn còn thiếu quy hoạch vùng, cơ chế chính sách thu hút liên kết ngành chưa hoàn thiện, chưa có sự phân cấp, chủ trì, điều phối nên một số miền còn thiếu sự liên kết, “mạnh ai nấy chạy”.

GK (tổng hợp)