Chấm dứt kiểu "ban phát", chuyển sang phục vụ dân

Cập nhật, 06:30, Thứ Năm, 05/01/2017 (GMT+7)

Đảng ta đã xác định, công tác dân vận không chỉ là công tác của Đảng, Mặt trận, đoàn thể mà còn là trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ, công chức (CB.CC) nhà nước. Và dân vận chính quyền (DVCQ) được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lòng tin của người dân trong việc điều hành của chính quyền các cấp.

Chính quyền là để phục vụ nhân dân. Do đó, cán bộ, công chức phải xây dựng cho mình ý thức phục vụ dân.
Chính quyền là để phục vụ nhân dân. Do đó, cán bộ, công chức phải xây dựng cho mình ý thức phục vụ dân.

Những kết quả đạt được

Năm 2016, thực hiện công tác DVCQ, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận và tổ chức phong trào thi đua dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước.

Các sở ngành và UBND các cấp đã phối hợp với MTTQ, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền và giáo dục đội ngũ CB.CC về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, có nhiều mô hình được triển khai như thực hiện sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chống hành vi sách nhiễu nhân dân; thực hiện nghiêm túc các quy chế dân chủ cơ sở;

giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân nhằm nâng cao, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân để thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ tỉnh.

Tại nhiều địa phương, công tác DVCQ được quan tâm, nhất là việc ban hành các quy chế, công tác kiểm tra giám sát thái độ của CB.CC, viên chức khi giải quyết công việc cho nhân dân.

Ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, thực hiện công tác DVCQ gắn công tác cải cách hành chính, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cấp huyện và xã.

Theo đó, chính quyền các cấp đã công khai, niêm yết bộ thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng như xây dựng quy trình tiếp nhận và trả kết quả, cũng như thời gian, lệ phí… Kết quả, đã tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết đúng thời gian cho người dân và doanh nghiệp đến làm các thủ tục.

Ông Phạm Trường Giang- Phó Phòng Nội vụ huyện Trà Ôn cho biết, thực hiện Pháp lệnh Quy chế dân chủ cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đối với những nội dung công khai đều được chính quyền các cấp công khai theo quy định.

Từ cách làm trên, năm qua người dân đã tham gia giám sát nhiều công việc của chính quyền như các chương trình dự án có huy động và sử dụng đóng góp của dân, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xây dựng quy ước, hương ước của ấp- khu…

Nhờ làm tốt công tác dân vận, huyện vận động các tầng lớp nhân dân hiến đất, cây trồng, ngày công để xây dựng các công trình giao thông với trên 86 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, ngoài việc thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quy chế dân chủ cơ sở, các cấp chính quyền đã tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là các vấn đề nóng như quy hoạch đất đai, giải tỏa, đền bù, tái định cư… đã mang lại niềm tin của người dân đối với chính quyền các cấp.

Cần nỗ lực nhiều hơn

Có thể nói, thời gian qua công tác DVCQ được gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội và chăm lo đời sống người dân.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả bước đầu nhưng để thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” thì chính quyền các cấp cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn.

Chính quyền là nơi trực tiếp tiếp xúc với dân, do đó việc thực hiện DVCQ có yếu tố rất quan trọng để tạo dựng niềm tin của dân với chính quyền. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, một trong những nội dung quan trọng của DVCQ là việc thực hiện Pháp lệnh Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trong pháp lệnh có quy định, các công trình thực hiện trên địa bàn phải công khai cho ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng biết, thế nhưng người dân phản ánh, thường công trình không công bố cho dân biết mà đến khi nghiệm thu rồi mới đề nghị ban giám sát đầu tư cộng đồng ký vào đó.

Hoặc có công trình, dự án không lấy ý kiến nhân dân, ví dụ người dân nói nếu lắp cái cống này bên tay trái thì hợp lý hơn, còn chủ đầu tư trả lời công trình đã phê duyệt rồi cứ thực hiện theo thiết kế…

Những công trình liên quan đến dân cần phải công khai cho dân biết theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Những công trình liên quan đến dân cần phải công khai cho dân biết theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Những công trình người dân phản ánh thường là những công trình cấp tỉnh và các sở ngành làm chủ đầu tư, từ những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng đến việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, một vấn đề nữa là công khai thủ tục hành chính, rất nhiều xã công khai các thủ tục đã hết hiệu lực thi hành, trong khi tỉnh đã ban hành các thủ tục mới thay thế nhưng không cập nhật và thay đổi kịp thời. Vẫn còn có tình trạng CB.CC- nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với dân ứng xử theo kiểu “ban phát” hơn là phục vụ.

Tại hội nghị tổng kết công tác DVCQ năm 2016, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, chính quyền là để phục vụ nhân dân, do đó thời gian tới cần chấm dứt ngay tình trạng CB.CC ứng xử theo kiểu “ban phát” thay vì phải phục vụ dân.

Ông chỉ đạo sẽ rà soát các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết các thủ tục hành chính.

Song song đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của CB.CC sẽ tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó tập trung vào thái độ, cách ứng xử của CB.CC, viên chức khi giải quyết công việc của dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho biết, trong thời gian tới sẽ quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở ở từng loại hình đơn vị, bởi thực tiễn đã cho thấy nơi nào thực hiện không tốt thì nơi đó sẽ mất đoàn kết nội bộ. Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bởi theo phản ánh của người dân, nhất là ở cơ sở khi thực hiện phương châm này chỉ có 2 vế làm tốt là “dân biết, dân làm”, còn 2 vế còn lại thì rất hạn chế.
  • ™Bài, ảnh: BÙI THANH