Bắt đầu có tính toán đến vấn đề tái cấu trúc về nông nghiệp vùng ĐBSCL

Cập nhật, 17:06, Thứ Tư, 16/11/2016 (GMT+7)

Trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường (ảnh).  

Câu hỏi thứ nhất: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn dự kiến, vừa qua hạn hán hay xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tỉnh ĐBSCL ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và cuộc sống của người dân.

Xin hỏi Bộ trưởng kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của chúng ta đã tính tới vấn đề này chưa, giải pháp và nguồn lực đối phó với hiện tượng này trước mắt cũng như lâu dài?

Câu hỏi thứ hai: Các ảnh hưởng tới môi trường do sự phát triển công nghiệp hay làng nghề không bền vững. Vừa rồi sự cố do Formosa gây ra lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này.

Các dự án của chúng ta đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (BCTĐMT) được phê duyệt nhưng đã có trường hợp BCTĐMT của dự án này nhưng nội dung có kể tên của công trình khác như báo chí đã nêu. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong quản lý Nhà nước về những sự việc chúng tôi vừa nêu.

Thứ hai, để đảm bảo các BCTĐMT thực sự có tác dụng không còn sự cố môi trường đáng tiếc nào xảy ra; Thứ ba, việc kiểm tra của Bộ với các sự cố đó thì bao giờ hoàn thành và các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay chúng ta đã có một chiến lược, Chính phủ đã huy động các tổ chức tham gia xây dựng được một kế hoạch cho vùng ĐBSCL.

Trong đó, đã tính toán đến “nhân tai” bao gồm các tác động từ ngoài biên giới cho đến các vấn đề quy hoạch chưa tiếp cận được với các vấn đề biến đổi khí hậu, do cách thức quản lý của chúng ta còn xung đột.

Đây cũng là một vấn đề tồn tại do tác động của biến đổi khí hậu dựa trên kịch bản tính toán, chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch, trong đó đã có những thay đổi rất cơ bản đối với vấn đề phát triển của ĐBSCL trong tương lai, trong đó xác định vùng thượng và trung nguồn.

Vùng này sẽ giải quyết vấn đề chống lại do ngập lụt, cũng như quản lý nước và tích nước. Hoặc vùng trung tâm của đồng bằng sẽ phát triển về công nghiệp, đô thị và vùng này sẽ đảm bảo nguồn nước. Vùng ven biển tập trung phát triển nền kinh tế nước mặn.

Ở đây sẽ tiếp cận theo 3 hướng, hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Điều này nếu tiếp cận ĐBSCL với cái nhìn một cách toàn diện của vùng và dưới giải pháp đó hoàn toàn có thể giải quyết được.

Chúng ta đã bắt đầu có tính toán đến vấn đề tái cấu trúc về nông nghiệp, đổi mới nông nghiệp, vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL trong tương lai cũng cần phải dựa trên tính toán của kế hoạch này.

Vấn đề BCTĐMT, có thể nói rằng ban đầu khi dự án có ý tưởng đầu tư, muốn phê duyệt chủ trương đầu tư thì phải BCTĐMT.

Vì vậy, BCTĐMT chỉ mang tính chất dự báo, nó chưa phải là một công cụ để sau này chúng ta có thể giám sát lại quá trình, giúp cho quá trình kiểm tra, quá trình hậu thẩm hoặc quản lý.

Khi dự án triển khai có thể điều chỉnh hoặc khi đánh giá tác động môi trường thì thông thường doanh nghiệp mới đề cập được một nội dung hoặc một bộ phận của dự án đó, còn khi một dự án liên hợp sẽ có nhiều hạng mục khác nhau thì người ta đánh giá trong nhiều thời điểm khác nhau.

Rõ ràng không nhìn thấy một cách tổng thể tác động của các hạng mục lên môi trường và đây cũng là việc chúng tôi đã xem xét, đánh giá lại vấn đề công cụ BCTĐMT này.  

Tới đây, bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét để điều chỉnh lại Bộ luật Bảo vệ môi trường hoặc có thể điều chỉnh trong những bộ luật khác như Luật đầu tư, Luật kinh doanh.

Về vấn đề BCTĐMT, những dự án nào chúng ta thấy dự án thân thiện môi trường thì không cần phải tiếp cận theo một cách phức tạp.  

Đối với dự án có tính chất, tiềm năng nguy cơ thì chúng ta phải tiếp cận từ phòng ngừa và như vậy phải có cơ chế, cách thức giám sát riêng. Cơ chế và điều kiện giám sát cũng phải đặt ra hoàn toàn khác với trước đây, là trong quá trình BCTĐMT phải mời được các nhà khoa học, các lĩnh vực ngay từ khâu tư vấn, khâu lập hội đồng phải gắn trách nhiệm với hội đồng và từng cá nhân.

Sau đó chúng ta phải sử dụng các lực lượng khoa học này để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trung ương hoặc địa phương có thể giám sát được quá trình thực hiện để tránh những sự cố gây ô nhiễm môi trường như trong thời gian vừa qua.

TÂM- HUỲNH (ghi)