Tăng cường tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Cập nhật, 15:05, Thứ Ba, 15/11/2016 (GMT+7)

Hội nghị tập huấn về công tác tuyên truyền biển, đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức mới đây đã cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết về biển, đảo cho những người làm công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền.

Sinh viên Vĩnh Long xem bản đồ cổ trưng bày tại triển lãm khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Sinh viên Vĩnh Long xem bản đồ cổ trưng bày tại triển lãm khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Có một điểm đáng lưu ý là hội nghị đã cung cấp cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ.

Trình bày chuyên đề: “Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, TS. Trần Đức Anh Sơn- Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng đã khẳng định: Cùng với thư tịch cổ, bản đồ cổ Việt Nam do Việt Nam và nhiều bản đồ liên quan đến Việt Nam do nước ngoài xuất bản trong các thế kỷ từ XVI-XIX đều khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hoặc ghi nhận Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với 2 quần đảo này từ rất lâu trong lịch sử.

Những tư liệu và bản đồ cổ thu thập được phản ánh một thực tế khách quan là người Việt Nam đã phát hiện, khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu, đã được người phương Tây ghi nhận trong các thư tịch và bản đồ của họ.

Đây chính là một nguồn tư liệu quý góp phần vào việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là xác thực, không thể tranh cãi.

Với chuyên đề “Tình hình tranh chấp chủ quyền biển Đông: Chủ trương và đối sách giải quyết tranh chấp biển đảo của Đảng và Nhà nước ta”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn- nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Bên cạnh đó, chuẩn bị sức mạnh tổng hợp, tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, xử lý khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trong tài liệu được cung cấp tại hội nghị, các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển, đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Với chuyên đề “Biển Đông Việt Nam: quá trình nhận thức và khai chiếm”, GS, TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc- ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Tên gọi biển Đông Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ đầu dựng nước, được căn bản hoàn thành năm 1757 và được quy về một mối, thống nhất, ổn định, đầy đủ và trọn vẹn với sự ra đời của triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX.

Quá trình hình thành, biến đổi và xác lập nội hàm tên gọi biển Đông phản ánh trung thực lịch sử Việt Nam với tư cách là một quốc gia bán đảo, hình ảnh cụ thể và sinh động của con người, cộng đồng cư dân Việt Nam đứng trước biển, sống cùng biển và chết không rời biển.

GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định: “Tên gọi biển Đông là thành quả của công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của Việt Nam, chắc hẳn sẽ không có sự thay đổi dù chỉ trong quan niệm”.

Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo trong thời gian tới, bên cạnh việc sử dụng ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh Vĩnh Long cần phát huy hệ thống thông tin cơ sở và hoạt động của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận Mác- Lê-nin, giáo dục công dân trong các trường ĐH, CĐ, THPT trên địa bàn.

Tỉnh kết hợp tốt việc cập nhật thông tin thời sự nhanh nhạy, kịp thời với thông tin, kiến thức chuyên sâu bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hiệu quả trên mặt trận thông tin tuyên truyền về biển, đảo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN