Trung đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Vĩnh Long

Cập nhật, 07:21, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 3 (Quân khu 9) được giao nhiệm vụ là phối hợp với các đơn vị bạn: Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 4 của tỉnh Vĩnh Long, lực lượng chính trị, binh vận tiến công địch, đánh chiếm và làm chủ TX Vĩnh Long. Tất cả đều hợp đồng chiến đấu theo quyết tâm chung; dự kiến giải phóng TX Vĩnh Long trong thời gian 5 ngày đêm.


Đồng chí Nguyễn Văn Bá- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 đến nơi đã ấn định gặp tên Đại tá Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long để duy trì thời gian, ta đưa bộ đội vào chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng như: Tiểu khu Vĩnh Long, các căn cứ quân sự Sư đoàn 9 và Sân bay Vĩnh Long...Ảnh: TL

Vận dụng linh hoạt phương châm tiến công địch bằng 2 chân 3 mũi giáp công, Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng đã tăng cường lực lượng cán bộ quân sự, chính trị, binh vận vào thị xã; phát động quần chúng sẵn sàng nổi dậy tham gia chiếm giữ các công sở, cơ quan hành chính của địch.

Ngày 27/4/1975, toàn Trung đoàn 3 khẩn trương cơ động lên áp sát TX Vĩnh Long. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Vĩnh Long với tinh thần hăng hái, khí thế sôi nổi, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm giải phóng quê hương.
 
Ngay trên đường hành quân, bộ đội được phổ biến: Đảng ta quyết định chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đối với quân và dân ĐBSCL, phối hợp với chiến trường chủ yếu là Sài Gòn, đồng loạt tiến công và nổi dậy tự giải phóng địa bàn. Đồng thời cắt đứt Quốc lộ 4, khống chế các sân bay, không cho lực lượng Quân đoàn 4 ngụy cơ động lên chi viện cho Sài Gòn, cũng không cho địch từ Sài Gòn chạy về co cụm ở ĐBSCL.

Trên địa bàn Vĩnh Long, lực lượng vũ trang các huyện, xã tiến công hàng loạt đồn bót, phân chi khu của địch vào đêm 26/4/1975, giải phóng nhiều vùng ở nông thôn, có nơi vào sát các thị trấn, thị tứ.

Chiều 27/4/1975, đội hình Trung đoàn 3 đến khu vực tập kết thuộc xã Phước Hậu, vùng ven phía Nam TX Vĩnh Long. Vừa đến nơi, các đơn vị tạm dừng, phân tán lực lượng, cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn đi trinh sát thực địa.

Về địch, lúc này các Tiểu đoàn Bảo an và chủ lực thuộc Sư đoàn 9 ngụy phần lớn án ngữ vòng ngoài, bảo vệ Quốc lộ 4, lộ 70… Nội ô thị xã có 1 chi đoàn xe bọc thép, lực lượng bảo an, cảnh sát dã chiến, Sở Chỉ huy Sư đoàn 9, Bộ Chỉ huy Tiểu khu, v.v..

Về phía ta: Sáng 29/4/1975, các tiểu đoàn đã nâng đội hình lên áp sát lộ 70, nhiều mũi vượt lộ chiếm lĩnh 1 số vị trí ở Phường 3, Nam cầu Khưu Văn Ba, cầu Công Xi Heo và nổ súng vào nhiều tốp địch đi tuần tra, sục sạo.

11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, Dương Văn Minh- Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố trên đài phát thanh đầu hàng không điều kiện lực lượng cách mạng.

Tin vui chiến thắng nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Song hơn lúc nào hết, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 luôn được quán triệt phải nắm chắc tay súng, sẵn sàng đánh trả những hành động chống cự của địch.
 
Ta loan tin chiến thắng, phát động quần chúng phối hợp bộ đội, nổi dậy, kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng.

Tình hình trong TX Vĩnh Long và các trục giao thông đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 vẫn im lặng. Tuy quần chúng rất vui mừng phấn khởi trước thắng lợi của cách mạng, song bà con không ai dám ra đường, ở nhà đóng chặt cửa vì sợ bọn manh động thừa cơ cướp phá.

Địch cấm các loại xe tàu ra vào thị xã, bịt chặt các cửa nội ô. Các Trung đoàn chủ lực số 16, 31 và 1 chi đoàn xe M113 chấm dứt hành quân, kéo ra Quốc lộ 4 đóng dã ngoại từ cầu Phú Quới đến cầu Đôi.

Đến 13 giờ ngày 30/4, Trung đoàn 3 dùng máy vô tuyến điện liên lạc với Tỉnh trưởng Vĩnh Long, buộc y phải đầu hàng, nhưng địch không trả lời.
 
Sau khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4- Quân khu địch ở Cần Thơ đầu hàng, nhưng chỉ huy Tiểu khu Vĩnh Long vẫn còn triệu tập cuộc họp bất thường, ngoài số sĩ quan thuộc Tiểu khu, còn có Trung đoàn trưởng Trung đoàn 16 và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31.
 
Tại cuộc họp, chúng còn thống nhất cố thủ dọc theo Quốc lộ 4 từ bến phà Mỹ Thuận đến bến phà Cái Vồn, đồng thời ra lệnh cho các chi khu tử thủ. Trong khoảng thời gian từ 14 giờ trở đi, nhiều đồn bót, nhiều tập thể trung đội, đại đội, tiểu đoàn địch tự tan rã, vứt vũ khí, quân trang, bỏ hàng ngũ tìm đường về quê.

Trước tình hình đó, lúc 18 giờ, 2 Trung đoàn chủ lực (16 và 31) địch chịu thương lượng với ta. Đến 22 giờ, Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long chịu thương lượng với ta và đầu hàng; cử Trung tá Bộ- Phó Tỉnh trưởng Vĩnh Long ngồi trên xe ra đón đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá)- Trung đoàn phó Trung đoàn 3- đại diện cho Quân giải phóng vào tiếp nhận sự đầu hàng.

Ta tiếp quản dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long lúc 23 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Ngay sau đó, các tiểu đoàn được lệnh vào tiếp quản các mục tiêu được phân công. Ban chỉ huy, các cơ quan trung đoàn và Tiểu đoàn 306 tiếp quản dinh Tỉnh trưởng và các công sở ở Phường 1.

Các Tiểu đoàn 308, 310, 312 tiếp quản, giữ gìn an ninh trật tự ở các phường khác trong nội ô TX Vĩnh Long. Vĩnh Long được hoàn toàn giải phóng.

Đại thắng mùa xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, đã thực hiện trọn vẹn di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào! Miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, khát vọng hòa bình của dân tộc đã trở thành hiện thực!

TRUNG NGÔN

(Tóm lược theo lịch sử Trung đoàn 3 Sư đoàn 330 Quân khu 9)