Vũng Liêm những ngày trước và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Cập nhật, 07:01, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)


Sáng ngày 30/4/1975, nhân dân TX Vĩnh Long đổ ra đường đón mừng lực lượng cách mạng vào tiếp quản. Ảnh: TL

Nhân dịp cả nước kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2014), người viết xin được kể lại những ngày trước và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ở huyện Vũng Liêm anh hùng- quê hương của Nam Kỳ khởi nghĩa.

Tạo thế và lực mới

Sau Tây Nguyên là các tỉnh ven biển miền Trung rồi đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ lần lượt được quân ta giải phóng. Thất bại này khiến địch vốn hoang mang càng thêm hoang mang, rệu rã. Với ta, những chiến thắng ấy càng nâng cao thêm lòng tin tất thắng và tinh thần chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân ta.

Ở Vũng Liêm đầu năm 1975, theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Tỉnh đội, địa phương cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ lớn- một là tiếp tục bao vây, tấn công đồn bót địch và đánh địch càn quét hành quân lấn đất, giành dân; thứ hai là gấp rút xây dựng lực lượng võ trang để đảm bảo cho chiến trường trong thời gian tới.

Từ 2 nghị quyết ấy, địa phương quận huyện và du kích 2 xã Hiếu Thành và Tân An Luông bao vây, uy hiếp các đồn Cầu Trắng, Quan Hai, Bảy Cầm trên Tỉnh lộ 39 (Hiếu Phụng- Hựu Thành) và nhiều đồn bót khác ở cặp sông Măng Thít.

Cùng lúc đó, các địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động thanh niên tòng quân. Kết quả đến tháng 2/1975, Vũng Liêm xây dựng được 4 tiểu đoàn địa phương quân, các xã có 2-1 trung đội du kích, các ấp giải phóng cũng đều có từ 2- 1 tiểu đội du kích.
 
Tổng quân số toàn huyện lúc này lên đến 3.570 cán bộ, chiến sĩ- đó là chưa kể hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của huyện được rút bổ sung cho lực lượng quân sự tỉnh và quân khu. Về hỏa lực, địa phương quân huyện đã được trang bị súng cối, súng P40…

Đầu tháng 2/1975, theo Nghị quyết của Huyện ủy, một tiểu đoàn địa phương quân huyện, do đồng chí Huỳnh Hữu Thọ (Út Thọ) chỉ huy, cùng du kích địa phương, tấn công, uy hiếp Phân chi khu quân sự Quới Thiện (nay là xã Thanh Bình). Cùng lúc bao vây các đồn Thanh Lương, Thanh Khê, Phước Thạnh, Phước Lý, Rạch Vọp, Rạch Sâu và Cái Dứa.

Tại phân chi khu, ta dùng súng cối và đầu đạn 105 ly lép của địch, chế tạo lại rồi đưa lên bệ phóng, phóng vào hang ổ địch và các ụ đề kháng của chúng. Ở các đồn bót khác, ta bao vây bắn tỉa, dùng giàn thun bắn lựu đạn vào đồn, làm cho bọn địch vô cùng hoang mang.

Trước sức ép của ta, đến ngày 11/2/1975, bọn địch ở các đồn bót trên phải trốn chạy, ta giải phóng hoàn toàn 7/8 ấp của xã cù lao này. Trước việc bọn đàn em rút chạy, bọn địch ở phân chi khu dao động mạnh, ngày đêm kêu cứu viện.

Về phía ta, chỉ đạo của Huyện ủy giải phóng đến đâu xây dựng xã, ấp chiến đấu đến đó để chủ động chống địch tái chiếm nên đã tạo được thế trận du kích ở nhiều địa phương. Về phía địch, để hà hơi tiếp sức cho đàn em ở Phân chi khu Quới Thiện, sang ngày 12/2/1975, địch đưa quân và 6 tàu chiến từ Vĩnh Long xuống cứu viện.
 

Có thêm pháo binh yểm trợ, chúng nhiều lần cho tàu tiếp cận vào bờ. Dựa vào cộng sự, hầm hào được bố trí sẵn, địa phương quân Vũng Liêm chặn đánh quyết liệt giữ vững trận địa, tất cả các cuộc tiến vào bờ đều bị ta bẻ gãy. Đến chiều, bọn này chạy về Vĩnh Long, bỏ mặc đàn em ở Phân chi khu Quới Thiện trong vòng nguy khốn.

Cùng lúc với mặt trận Quới Thiện, lực lượng công binh đặc công huyện phối hợp cùng du kích xã Trung Ngãi, đặt mìn đánh xe quân sự địch trên Liên tỉnh lộ 170 (nay là QL53) bao vây phát loa kêu gọi bọn địch ở các đồn nằm trên đoạn đường từ cầu Giồng Ké đến cầu Mây Tức mang súng trở về với nhân dân, về với người thân và gia đình để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và của Mặt trận Dân tộc giải phóng.

Ở Tân An Luông, địa phương quân và du kích bao vây, uy hiếp toàn bộ số đồn bót địch từ Ấp 1 đến Ấp 5, cặp tuyến sông Măng Thít. Ở 2 xã này, từ 2- 15/2/1975, ta tiêu diệt, gọi hàng và bức rút 5 đồn, giải phóng hoàn toàn 9 ấp có hàng ngàn hộ dân.

Như vậy, trong đợt tấn công này (từ 2- 15/2/1975), quân và dân Vũng Liêm đã loại khỏi vòng chiến đấu 498 tên địch, tiêu diệt, bức hàng, bức rút 25 đồn bót, phá hủy và làm hư hỏng nặng nhiều xe quân sự, thu 355 súng, giải phóng hoàn toàn 43/79 ấp có 64.970 người dân.

Cũng đến thời điểm này, hệ thống chính trị của huyện cũng không ngừng phát triển. Đảng bộ có 735 đảng viên; Hội Phụ nữ có 3.898 hội viên, Hội Nông dân có 4.091 hội viên và Đoàn Thanh niên có 4.820 đoàn viên.

Với những thắng lợi trên đây, Vũng Liêm đã tạo được thế mới và lực mới rất đáng kể, để sau đó cùng quân dân miền Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tự lực giải phóng

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện kết thúc vào ngày 20/4/1975, sau 4 ngày làm việc khẩn trương. Đồng chí Hồ Văn Thính (Tư Trung) được bầu làm Bí Thư Huyện ủy.

Cũng ngay trong ngày bế mạc, đồng chí Hồ Văn Ân (Ba Trần) thay mặt Tỉnh ủy và Tỉnh đội làm việc với BCH Huyện ủy Vũng Liêm, phổ biến phương án tác chiến phối hợp Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng huyện nhà.

Sau khi tiếp thu mệnh lệnh cấp trên, với tinh thần khẩn trương của chiến dịch, ngày hôm sau 21/4, Ban Chỉ huy chiến dịch của huyện được thành lập gồm 10 đồng chí, do đồng chí Hồ Văn Thính làm trưởng ban và sở chỉ huy chiến dịch được di chuyển ngay đến địa bàn ngã ba An Nhơn (Trung Thành)- cách trung tâm huyện lỵ Vũng Liêm không quá 1.000m theo đường chim bay.

Cũng lúc này, các đơn vị địa phương quân huyện trước đó được điều động hỗ trợ du kích địa phương tấn công địch, đã nhanh chóng về địa bàn ven huyện lỵ.
 
Lúc này ở các xã, ngoài lực lượng du kích cũng đã huy động từ 300- 500 quần chúng cách mạng sẵn sàng cùng tham gia chiến dịch và cùng gia đình binh sĩ kêu gọi con em họ mang súng về với cách mạng, trên tinh thần huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã.

Ngày 30/4/1975, theo phương án tác chiến, lực lượng võ trang Vũng Liêm chia thành 3 mũi. Mũi thứ nhất là lực lượng biệt động, do đồng chí Năm Sĩ chỉ huy tấn công từ hướng bờ sông đánh lên; mũi thứ 2 một tiểu đoàn địa phương quân, do đồng chí Nguyễn Ngọc Anh (Tư Anh) chỉ huy từ hướng cầu Công Xi Heo đánh qua và mũi thứ 3 một tiểu đoàn địa phương quân do đồng chí Huỳnh Hữu Thọ chỉ huy từ ngã ba An Nhơn chọc thẳng vào quận lỵ; hình thành thế trận vừa tấn công vừa bao vây địch.

Cả 3 lực lượng của ta trong đêm đều bí mật tiếp cận được vị trí thuận lợi để chờ hiệu lệnh nổ súng tấn công. Đến nửa đêm (0 giờ ngày 30/4) theo hiệu lệnh chung, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Huyện tấn công vào huyện, các xã nổ súng vây ép các đồn bót của xã.

Ở Vũng Liêm, bọn chúng chống trả quyết liệt đến 11 giờ cùng ngày, khi tên Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã lên tiếng đầu hàng, nhưng bọn địch ở Vũng Liêm vẫn hết sức ngoan cố, “Tử thủ với Việt cộng”.

Lúc này đã là 12 giờ ngày 30/4 để nhanh chóng kết thúc trận đánh, tránh thương vong, một mặt đồng chí Hồ Văn Thính chỉ đạo cho lực lượng binh vận và phát loa gọi địch đầu hàng mặt khác điều động thêm một tiểu đoàn địa phương quân vào mặt trận huyện lỵ để tấn công địch nếu chúng vẫn ngoan cố.

Nhưng khi tiểu đoàn này hành quân lên liên Tỉnh lộ 170 để tiếp cận huyện lỵ thì bọn địch ở đồn Bông Dừa (Trung Thành) phát hiện, gọi pháo bắn vào đội hình tiểu đoàn gây khó khăn cho việc di chuyển quân của ta.

Nhưng với tinh thần chiến dịch, tiểu đoàn này hành quân an toàn đến vị trí quy định. Để tránh thương vong cho lực lượng hậu cần và lực lượng quần chúng nổi dậy, Ban chỉ huy chiến dịch huyện lệnh cho xã Trung Thành vây ép đồn Bông Dừa và xã Trung Ngãi đưa du kích và quần chúng nhân dân nhanh chóng làm chủ liên Tỉnh lộ 170 đoạn giáp xã Trung Thành.

Trước sức ép của ta, đồn Hai Tình (xã Trung Ngãi), đồn Bông Dừa (xã Trung Thành) phải rút chạy.

Chiều 30/4, khi đó tỉnh Trà Vinh đã hoàn toàn được giải phóng. Qua máy bộ đàm, đồng chí Lê Văn Nha (Sáu Đại) biết được Vũng Liêm còn gặp khó khăn nên sẵn sàng chi viện cho Vũng Liêm bằng việc cho pháo bắn hủy diệt bọn địch ở huyện lỵ nếu Vũng Liêm có yêu cầu.

Thông tin này được ta thông báo đến tên Bùi Văn Ba- Quận trưởng Vũng Liêm. Từ thông tin trên cộng với việc bị quân ta bao vây chặt chẽ; sau nhiều lần lẩn tránh không tiếp xúc qua máy bộ đàm, thì đến 23 giờ ngày

30/4/1975, Bùi Văn Ba mới lên máy xin gặp người có thẩm quyền của ta. Khi đó, đồng chí Hồ Văn Thính thay mặt Ban chỉ huy chiến dịch tuyên bố: “Mọi hoạt động ngoan cố của quận trưởng và binh sĩ vừa qua, quận trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lịch sử”. Cùng lúc đó các mũi quân của ta nổ súng tấn công uy hiếp.

Sau đó khoảng 30 phút, tên Bùi Văn Ba qua đài truyền thanh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, hẹn ngày giờ bàn giao chính quyền cho cách mạng. Vậy là Vũng Liêm được hoàn toàn giải phóng trong đêm 30/4 và là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long được giải phóng cùng ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

TRỌNG DÂN