Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Cập nhật, 16:01, Thứ Năm, 24/12/2020 (GMT+7)

Tôi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong một vụ án dân sự. Vụ án này đã được xét xử và có bản án. Xin hỏi trong trường hợp phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án cần kháng nghị bản án theo thủ tục tái thẩm thì ai có thẩm quyền thực hiện điều này?

Trần Thái Sơn

(Mang Thít)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bao gồm:

- Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

- Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

- Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.

PHÒNG BẠN ĐỌC