Trợ cấp thôi việc đối với viên chức

Cập nhật, 10:23, Thứ Năm, 07/07/2016 (GMT+7)

Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm ngụ Phường 5- TP Vĩnh Long hỏi: Trường hợp viên chức có tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và chưa hưởng BHXH và BHTN lần nào, nhưng vì lý do sức khỏe xin thôi việc và đã được chấp thuận. Vậy trường hợp này được hưởng chế độ như thế nào?

Sau khi nhận được thư, chúng tôi đã liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long và được trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trợ cấp thôi việc được thực hiện như sau:

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 được tính như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng gồm:

Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có); mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.

Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này và được xác nhận thời gian có đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

PHÒNG BẠN ĐỌC