Ý thức tiêm ngừa bệnh dại của người dân tăng cao

Cập nhật, 11:04, Thứ Năm, 04/04/2024 (GMT+7)
Người dân tiêm ngừa bệnh dại tại CDC Vĩnh Long.
Người dân tiêm ngừa bệnh dại tại CDC Vĩnh Long.

Theo các bác sĩ, hiện nay bệnh dại chưa có thuốc chữa, để chủ động phòng chống bệnh dại, tiêm vaccine vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Vĩnh Long), lượng người đến tiêm vaccine ngừa bệnh dại do chó, mèo cắn tăng. Trong 2 tháng đầu năm nay, có trên 4.100 lượt người đến tiêm vaccine phòng bệnh dại, tăng gần 25% so với cùng kỳ.

Theo Phó Giám đốc CDC Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân, dù tỉnh Vĩnh Long chưa ghi nhận ca bệnh dại, song tại các tỉnh phía Nam (tính đến 25/3/2024), có 6 ca bệnh dại tử vong tại 3 địa phương (Bến Tre, Long An, Cà Mau) và ghi nhận 23 ổ dịch dại trên đàn chó/mèo. Đáng chú ý nhất là ổ dịch bệnh dại tại tỉnh Bến Tre, nguy cơ bệnh dại xuất hiện tại Vĩnh Long là rất lớn.

Ngoài ra, nắng nóng gay gắt kéo dài là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh; cùng với thói quen của một số người là thả rông, không rọ mõm chó, mèo, khiến nguy cơ bệnh dại lây lan trong cộng đồng.

Trước tình hình đó, công tác phòng, chống bệnh dại đã được ngành y tế triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng đến ngăn ngừa bệnh dại lây lan từ vật nuôi sang người.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, khi lên cơn dại, khả năng tử vong là 100% nên cách phòng tránh bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

“Sau khi bị động vật cắn, cào, dù chỉ trầy xước nhẹ người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay sau khi bị cắn, đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Việc tiêm vaccine phòng dại thực hiện càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn virus dại. Điều đặc biệt nguy hại là thời gian ủ bệnh dại từ 3 ngày đến hơn 3 tháng, thậm chí có trường hợp kéo dài nhiều năm. Người dân cần tuân thủ liệu trình số mũi tiêm theo hướng dẫn của nhân viên y tế; tuyệt đối không sử dụng thuốc Đông y hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH