Gia tăng bệnh nhân đột quỵ do tăng huyết áp

Cập nhật, 13:45, Thứ Sáu, 17/05/2024 (GMT+7)
Bệnh nhân bị đột quỵ do tăng huyết áp điều trị tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Bệnh nhân bị đột quỵ do tăng huyết áp điều trị tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Các chuyên gia cho rằng nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp (HA) hoặc chủ quan với bệnh, không kiểm soát các bệnh tăng HA, đái tháo đường, thói quen ăn mặn khiến số ca đột quỵ Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Đột quỵ lần 2 do không  kiểm soát huyết áp

Ngày 14/5, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân (BN) N.V.H. ( 63 tuổi), vào viện trong tình trạng liệt tay phải, yếu chân phải, lơ mơ do đột quỵ tái phát lần 2.

Được biết, tháng 12/2021 BN từng bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa trái đoạn M1. Mặc dù BN được đưa tới Bệnh viện S.I.S Cần Thơ sau 5 ngày khởi phát bệnh (khi đó đã quá thời gian vàng) nhưng vẫn được điều trị nội khoa ổn định.

Sau đó BN có đi tái khám 2 lần, đến đầu tháng 4/2022, ông H. không còn thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Con trai BN cho biết, từ đó đến nay, gia đình không đưa đi tái khám ở cơ sở y tế mà chỉ hốt thuốc bắc ở gần nhà cho ông uống, thấy uống sức khỏe của ông cũng ổn.

Chiều 13/5, ông đột ngột nôn ói, nói đớ nên gia đình vào bệnh viện tại địa phương, đến rạng sáng 14/5 gia đình chuyển ông đến BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Anh- Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, BN vào viện trong tình trạng liệt tay phải, yếu chân phải, lừ đừ, HA lên đến 190mmHg. Qua CT ghi nhận có ổ xuất huyết cấp tiểu não phải kích thước 34x22mm, nhồi máu não cũ, diện rộng vùng động mạch não giữa trái, tiên lượng nặng.

Lý giải về nguyên nhân BN đột quỵ tái phát, BS Ngọc Anh cho biết, đối với BN từng bị đột quỵ nguy cơ tái phát cao hay không tùy vào nguyên nhân gây đột quỵ và yếu tố nguy cơ có được kiểm soát tốt hay chưa? Ví dụ: nguyên nhân phình mạch, hẹp tắc mạch lớn có hay không? HA có được kiểm soát tốt hay chưa? Nguyên nhân tim mạch như rung nhĩ, tiểu đường, hút thuốc lá, mỡ máu có kiểm soát hay không?

Cụ thể ở trường hợp này, BN từng bị nhồi máu não diện rộng nhưng lại không thực hiện tái khám định kỳ, không kiểm soát được HA, đây chính là nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ tái phát xuất huyết não lần nhập viện này.

Phải kiểm soát tốt huyết áp

Theo các bác sĩ, hơn 90% BN đột quỵ do xuất huyết não có liên quan đến bệnh tăng HA. BS.CK1 Tô Văn Tân- Phó Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho hay nhiều trường hợp BN bị xuất huyết não trên nền tăng HA do người bệnh không kiểm soát tốt HA của mình.

Không ít trường hợp vào viện vì đột quỵ, đo HA mới phát hiện bản thân mắc bệnh tăng HA từ lâu mà không biết. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng HA có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu.

Hiện tỷ lệ mắc bệnh tăng HA ở Việt Nam khoảng 33%. Các chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề đáng lo ngại là thói quen ăn mặn của người Việt Nam. Nhiều người có thói quen dùng bữa luôn kèm nước mắm chấm, thậm chí thức ăn ngọt như dưa hấu, trái cây cũng chấm muối, ly nước dừa cũng kèm một xíu muối...

Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri. Ăn mặn khiến cho tình trạng của người bệnh tăng HA thêm khó kiểm soát. Quá trình cấp cứu, điều trị và quản lý người bệnh đột quỵ có tăng HA, bác sĩ nhận thấy nhiều người bệnh khó bỏ thói quen ăn mặn.

Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, để phòng ngừa bệnh đột quỵ cần thay đổi thói quen xấu trong cuộc sống. Rượu bia, thuốc lá vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là hút thuốc lá khi còn trẻ. Kế đến là quan tâm, theo dõi HA, nếu mắc bệnh tăng HA thì phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Thứ 3 là tầm soát sớm khi có dấu hiệu nhức đầu, đau đầu, đau nửa đầu kéo dài. “Những lưu ý trên dù đã được tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên nhưng có vẻ chưa đến được với nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Nên nhớ bệnh lý đột quỵ không loại trừ ai và ngày càng trẻ hóa”- BS Chí Cường trăn trở.

Bệnh nhân được chủ động đo huyết áp khi đến cơ sở y tế khám các bệnh lý khác.
Bệnh nhân được chủ động đo huyết áp khi đến cơ sở y tế khám các bệnh lý khác.

TS.BS Trần Chí Cường cảnh báo, xuất huyết não rất khó tiên lượng, tỷ lệ tử vong tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu. Nếu chảy máu ồ ạt BN sẽ tử vong nhanh chóng sau vài giờ. BN có tiền căn tăng HA nên theo dõi cẩn thận, kiểm soát chặt chẽ mức HA của mình. Nếu có đau đầu đột ngột, nôn ói, tê yếu tay chân… hãy đến ngay bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ cảnh báo, ở BN từng đột quỵ không nên chủ quan trong việc tái khám theo dõi, vì nếu tự ý ngưng thuốc có thể dẫn đến đột quỵ tái phát, khi tái phát người bệnh sẽ có nguy cơ tàn phế nặng nề hơn thậm chí là tử vong. Không nên sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc chất lượng, và thực phẩm chức năng không có bằng chứng rõ ràng có thể gây tốn kém, thậm chí là nhiều hơn so với các thuốc tim mạch, HA thông thường để dự phòng đột qụy.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN