Vô sinh hiếm muộn - điều trị sớm thành công cao

Cập nhật, 07:36, Chủ Nhật, 11/12/2022 (GMT+7)
Con trẻ là niềm hạnh phúc của gia đình.
Con trẻ là niềm hạnh phúc của gia đình.

Theo chuyên gia y tế, cách tốt nhất là mỗi người nên tự kiểm tra sức khỏe sinh sản để có thể phát hiện sớm tình trạng vô sinh, hiếm muộn, phát hiện càng sớm thì càng có khả năng chữa trị.

Ngày càng trẻ hóa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguyên nhân vô sinh do nam giới chiếm 40%, tương đương với tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Còn lại 10% do cả nữ và nam; 10% còn lại là không rõ nguyên nhân. Theo WHO, vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Y tế, có khoảng 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (hơn 1 triệu cặp vợ chồng) gặp phải các vấn đề về vô sinh hiếm muộn. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang có xu hướng tăng sau mỗi năm.

Thực tế cho thấy độ tuổi vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng trẻ hóa và đem lại những lo ngại cho nhiều cặp đôi trẻ hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa nhận thức đúng đắn về căn bệnh này. Mặt khác, rất nhiều người muộn con, khó có con không biết nguyên nhân vô sinh do đâu, biểu hiện thế nào, nên làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm, làm ở đâu,… hoặc ngại đi khám, chữa không đúng thầy, đúng bệnh nên hành trình tìm con vẫn mãi kéo dài suốt nhiều năm, dẫn đến bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị hiệu quả.

Kết hôn đã 7 năm nay nhưng vợ chồng anh N.B.D. (42 tuổi, TX Bình Minh) vẫn chưa có con. “Vợ chồng đã chạy chữa thuốc nam cũng như tây y nhưng chưa có kết quả. Có lẽ phải tính đến chuyện xin con nuôi”- anh D. tâm sự. Qua các lần thăm khám, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân xuất phát từ anh vì số lượng “tinh binh” không đủ mạnh để tấn công vào trứng làm tổ… và bác sĩ cũng nói dù đã can thiệp nhiều cách thì khả năng vô sinh rất lớn.

May mắn hơn, gia đình chị L.T.T.H. (39 tuổi, huyện Long Hồ) hiếm muộn trong 14 năm. Chị H. bị tắc vòi trứng, còn chồng bị tinh trùng yếu. “Sau một thời gian được các bác sĩ can thiệp và hỗ trợ sinh sản (dù thụ tinh không thành công 2 lần), nhưng vợ chồng tôi không nản. Tiền làm ra và vay ngân hàng đều dùng điều trị hiếm muộn để có con”. Và đầu năm 2022, chị H. đã sinh hai “công chúa” rất dễ thương.

Lối sống, môi trường tác động đến sinh sản

Vô sinh do rất nhiều nguyên nhân gây ra, do đó, cả vợ cả chồng đều cần tới bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân, và từ đó bác sĩ mới chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Theo các bác sĩ, lối sống, môi trường, yếu tố di truyền... dẫn đến tỷ lệ vô sinh gia tăng hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ vô sinh ở nam giới tăng như bị ảnh hưởng gien, tiếp xúc với các yếu tố môi trường, hóa chất độc hại, lối sống sinh hoạt, stress... làm cho chất lượng tinh trùng yếu đi, dẫn đến vô sinh.

“Đặc biệt là đối với nam giới làm việc văn phòng, ngồi nhiều, sử dụng rượu, bia, thuốc lá làm giảm nội tiết tố nam. Bên cạnh đó khiến lượng tinh trùng giảm đi cả về số lượng lẫn chất lượng và hình dạng tinh trùng, tỷ lệ đậu thai kém hơn”, bác sĩ Vũ Thái Hoàng - Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết.

Với phụ nữ, vô sinh phần lớn do bệnh lý buồng trứng (tắc ống dẫn trứng, suy buồng trứng, buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn, chất lượng trứng kém,...), bệnh lý tử cung (dị dạng tử cung, dính buồng tử cung, viêm tử cung, lạc nội mạc tử cung…), rối loạn nội tiết, tình trạng viêm nhiễm…

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế, vô sinh không có nghĩa là vô vọng. Hiện nay, nhờ sự can thiệp của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến cùng trang thiết bị hiện đại, các chuyên gia đầu ngành dày dạn kinh nghiệm tại Việt Nam có thể phát hiện và điều trị thành công những bệnh lý vô sinh phức tạp. “Cần lưu ý rằng, tuổi càng trẻ cơ hội thành công càng cao. Vì thế, nếu vợ chồng sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai thì cả hai cần đi khám sớm tại các cơ sở uy tín để tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả hơn”- BS Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là vô cùng quan trọng. Qua đó, giúp đánh giá sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản cho các cặp đôi để có cuộc sống hôn nhân với sức khỏe toàn diện và những đứa con sinh ra khỏe mạnh.

Với những cặp đôi đang muốn có con, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở và đẻ con khỏe mạnh. Giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Các tin khác: