27 đề tài khoa học góp phần nâng cao điều trị trong ngành y tế

Cập nhật, 07:00, Thứ Bảy, 26/10/2013 (GMT+7)

Đây là những đề tài đã tham gia báo cáo tại Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ Học viện Quân y năm 2013, do Học viện Quân y tổ chức sáng 25-10, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, điều trị, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại, đồng thời có thêm nhiều cán bộ giảng dạy, các bộ khoa học và những thầy thuốc giỏi.

Nhà khoa học trẻ của Học viện Quân y báo cáo đề tài trước hội đồng giám khảo

Với tinh thần làm việc khoa học, khẩn trương, nghiêm túc, tại 3 hội đồng thi do Phó giám đốc: Thiếu tướng GS. TS. Đồng Khắc Hưng, Thiếu tướng GS. TS. Hoàng Văn Lương, Đại tá PGS. TS. Đỗ Quyết làm chủ khảo, Ban giám khảo đã chỉ ra những ưu, nhược điểm và hướng khắc phục, bước phát triển, hoàn thiện tiếp của các đề tài, sao cho phát huy hiệu quả cao nhất vào thực tiễn đất nước.

Những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) của tuổi trẻ Học viện vẫn phát huy được truyền thống của đơn vị, giành nhiều giải thưởng cao.

Từ năm 2011 đến nay, các cán bộ khoa học trẻ và sinh viên đã hoàn thành 81 đề tài, sáng kiến kỹ thuật; đạt 2 giải thưởng ""Quả cầu vàng"", 8 đề tài tham gia Festival sáng tạo trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; có 7 đề tài khoa học của sinh viên đạt giải thưởng ""Tài năng khoa học trẻ Việt Nam"".

Có 34 đề tại đạt giải tại các Hội nghị Khoa học Công nghệ trẻ các trường Đại học Y-Dược toàn quốc; Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội; giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội; 15 sinh viên đạt giải chính thức tại các cuộc thi Olympic cấp toàn quân và toàn quốc về Toán, Lý, Hóa, Tin học và các môn khoa học xã hội và nhân văn...

Thông qua phong trào NCKH của tuổi trẻ được tổ chức 2 năm một lần, Học viện Quân y đã phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng được nhiều đội ngũ cán bộ khoa học kế tiếp; góp phần không nhỏ vào việc nâng cao uy tín của Học viện về đào tạo, NCKH và điều trị trong ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành Quân y nói riêng.

Học viên Bùi Thị Thu Hà (thứ hai từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu

Học viên Bùi Thị Thu Hà, lớp D13, Học viện Quân y:

Do ung thư hiện là một trong những căn bệnh gây tử vong cao nhất thế giới, theo thống kê số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng nên việc nghiên cứu thuốc tổng hợp nói chung và Altretamine nói riêng là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, với chất Altretamine, Bộ Y tế chưa cấp phép nhập khẩu cho các biệt dược sử dụng hóa chất này, đa số đều phải nhập ngoại với giá thành rất cao, trong khi nhu cầu điều trị ung thư rất lớn, nên nhóm tiến hành nghiên cứu đề tài ""Nghiên cứu tổng hợp Altretamine làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung thư"", nhằm hạ giá thành sản phẩm, cung cấp nguồn nguyên liệu trong nước.

Xuất phát từ phương pháp Donald W Kaiser, nhóm đã áp dụng và cải tiến quy trình tổng hợp Altretamine để tiến hành nghiên cứu đề tài, làm cơ sở để sản xuất Altretamine với giá thành thấp hơn rất nhiều so với thị trường thế giới (giá thành tham khảo trên thị trường Hàn Quốc từ 30.000 đến 40.000 đồng/viên, một bệnh nhân theo phác đồ điều trị phải sử dụng đến 60.000.000 đồng/năm).

Quy trình tiến hành đều sử dụng trang thiết bị đơn giản, phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm ở Việt Nam, các hóa chất dung môi không độc hại như phương pháp của Donald W Kaiser. Nhóm đã cải tiến quy trình, nâng cao hiệu suất tổng hợp, dung môi phản ứng được tiến hành trong nước cất, không gây độc hại cho người và môi trường; dễ dàng triển khai sản xuất ở quy mô lớn với những nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam.

Tuy đề tài mới chỉ ở bước đầu nghiên cứu, nhưng những nguyên liệu tổng hợp mà nhóm làm được đã đạt tiêu chuẩn, sau khoảng 2 năm, khi tiếp tục tiến hành thử độc tính và đánh giá độ ổn định, đề tài mới có thể đưa ra thị trường.

Đại úy, TS Phạm Thế Tài, Trung tâm Y dược học Quân sự:

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của Dioxin ở Việt Nam nhưng thường tập trung vào các cựu chiến binh và con cái của họ với những dị tật bẩm sinh, bất thường thai sản. Tuy nhiên, về phát triển thần kinh ở cộng đồng dân cư sống quanh điểm nóng về phơi nhiễm Dioxin còn rất ít người nghiên cứu. Nhất là các nghiên cứu dịch tễ học theo dõi đối tượng lâu dài.

Với đề tài ""Nghiên cứu ảnh hưởng của phơi nhiễm Dioxin lên sự phát triển thần kinh của trẻ em 4 tháng tuổi"", cho biết phơi nhiễm Dioxin (cụ thể là khu vực sân bay Đà Nẵng) có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ như thế nào. Đây là những thông tin mang giá trị khoa học. Khi tiến hành kiểm tra trẻ, nếu thấy bất thường sẽ có tư vấn cho bà mẹ cách nuôi dạy để kích thích các mặt phát triển của trẻ.

Đề tài đánh giá và theo dõi trẻ từ 4 tháng đến 5 tuổi, là thời điểm trước khi trẻ bước vào lớp 1, vấn đề đánh giá thần kinh rất quan trọng. Với những đánh giá, ngoài những dẫn chứng khoa học, đề tài còn tư vấn cho nhóm bà mẹ có con chậm phát triển để họ có biện pháp xã hội khắc phục hạn chế đó.

Trung úy, Bác sĩ Đặng Minh Đức, Bệnh viện 103:

Đề tài ""Nghiên cứu hiệu quả điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp tại Bệnh viện 103"" cho thấy biện pháp điều trị này hiệu quả hơn các biện pháp cổ điển đang dùng. Trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát bệnh, nếu đáp ứng tốt với thuốc, bệnh nhân có thể được khôi phục hoàn toàn sau 1 giờ từ khi điều trị. Với phương pháp này, sau khi điều trị, theo dõi trong 30 ngày, tỷ lệ bệnh nhân khỏi liệt là hơn 60%. Hiện nay ở Việt Nam nói chung và ở miền Bắc mới có 3 cơ sở y tế áp dụng hình thức này vào điều trị, trong đó Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103 là nơi đầu tiên.

Đột quỵ não là bệnh nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân bị bại liệt và tàn phế sau khi đột quỵ là cao nhất trong các bệnh nội khoa; tỷ lệ tử vong chỉ sau bệnh lý về tim mạch và ung thư. Xuất phát từ thực tế, có nhiều cơ sở y tế trong nước bị tình trạng ""ứ đọng"" bệnh nhân do quá tải, nên đề tài nghiên cứu hệ thống thu dung bệnh nhân, tạo sự phối hợp giữa các khoa trong viện để có sự luân chuyển bệnh nhân kịp thời và hiệu quả nhất.

Đề tài nghiên cứu hiệu quả của mô hình tiếp nhận bệnh nhân có sự tiến bộ hơn, đó là tỷ lệ bệnh nhân được thu dung điều trị rất cao. Từ tháng 1 đến tháng 8-2013, tỷ lệ này đạt 6,2%; bệnh viện không bỏ sót bệnh nhân nào nếu nhập viện trong thời gian 3 giờ từ khi phát bệnh (ở Mỹ, khi biện pháp này được áp dụng, tỉ lệ bệnh nhân được tiếp nhận chỉ là 0,6%). Hướng phát triển đề tài trong thời gian tới là giảm liều thuốc cho phù hợp với thể trạng người Châu Á. Hiện nay, đang sử dụng liều theo tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu là 0,9mg/kg thể trọng, với liều này, tỷ lệ chảy máu não tương đối lớn.

Do điều kiện cấp cứu ở Việt Nam chưa đảm bảo nên nhiều bệnh nhân đến viện sau 3 giờ đồng hồ phát bệnh, vì thế hướng nghiên cứu của đề tài là kéo dài thời gian lên 4,5 giờ vẫn có thể áp dụng phương pháp điều trị này; lấy cục máu đông trong lòng mạch máu bằng đường can thiệp mạch.

Theo QĐND Online