Trang viết xanh

Hãy cho con khôn lớn

Cập nhật, 07:27, Thứ Sáu, 30/10/2015 (GMT+7)

Tình yêu, sự chăm sóc của ông bà cha mẹ dành cho con cái là vô bờ. Tuy nhiên, nếu mãi được chở che trong tấm “màn phủ” gia đình thì bao giờ con mới lớn?

Lớn không có nghĩa là trên 18 tuổi mà là tự lập trong cuộc sống để vấp ngã và để tự đứng lên.

Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con và các con đều là những “thiên tài”, những “cục vàng” di động. Tôi ấn tượng với một bà ngoại đưa cháu đi học lớp mầm rồi ngồi suốt không về. Các cô giáo ở đây ngại mời bà về…

Tuy nhiên, bà cứ như một bảo mẫu dành riêng cho cháu mình. Mỗi khi cháu dành đồ chơi với bạn, khóc nhè,… bà liền nhảy vào can thiệp. Buổi học kéo dài khoảng 3 giờ là bấy nhiêu thời gian bà ngồi chờ cháu.

Đứa cháu học trong lớp cứ mỗi phút mỗi nhìn ra xem bà có còn ở đó hay không? Nhiều người nói đùa với bà: “Nếu vậy bà cho nó ở nhà bà giữ luôn khỏi đi học cho rồi”. Bà thật thà: “Tui cũng tính vậy mà mấy cô giáo vận động đi học quá đó chứ!”

Cô gái 18 tuổi vừa đậu đại học, mẹ xin nghỉ làm công nhân, khăn gói lên trường cùng con để “vừa làm thuê vừa nấu cơm cho con ăn vì nó không biết nấu và không yên tâm để nó ở một mình”. Tuần nọ, mẹ bận việc không đi lên trường cùng con gái được. Trong 1 giờ ngồi xe, mẹ điện cho cô đến 5 lần vì “sợ con đi lạc”.

Thiết nghĩ, ở mỗi lứa tuổi cần được rèn luyện tính tự lập ở những mức độ khác nhau. Cha mẹ không thể sống với con cái suốt đời để mãi bao bọc, che mưa, che nắng được.

Hãy để những chồi non vươn mình phát triển, để chúng đối mặt với gió mưa và trưởng thành. Sự giúp đỡ, hướng dẫn là rất cần nhưng không phải là dìu con đi mãi trên con đường mà ta chọn. Hãy cho con thành người lớn đúng nghĩa!

CAO THỤY