Không còn đánh giá "nhân bản"

Cập nhật, 15:36, Thứ Tư, 09/11/2016 (GMT+7)

Ngày 6/11/2016, các trường trên cả nước chính thức thực hiện Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT thay thế Thông tư 30 về nhận xét, đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Trong đó, có một số thay đổi sẽ sát với thực tế hơn và góp phần đẩy lùi hiện tượng “đánh giá nhân bản”…

Các quy định mới sẽ giúp giáo viên dễ đánh giá đối với từng đối tượng HS, sát thực tế hơn.
Các quy định mới sẽ giúp giáo viên dễ đánh giá đối với từng đối tượng HS, sát thực tế hơn.

Không đánh đồng HS

Quy định khiến giáo viên phản ứng nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá HS chỉ với 2 mức: hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như vậy được cho là nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của HS.

Thông tư 22 đã khắc phục vấn đề này bằng quy định nhận xét theo 3 mức đánh giá: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Mặt khác, quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, xác định năng lực, phẩm chất HS thành 3 mức: tốt, đạt, cần cố gắng (thay cho 2 mức: đạt và chưa đạt trước đây).

Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của HS, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực nào còn khó khăn.

Đồng thời, việc này cũng giúp các em nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và HS cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Điểm thay đổi nữa được tiếp thu từ thực tế là quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với 2 môn Tiếng Việt và Toán, nhằm giúp giáo viên, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của HS với 2 môn học này. Cũng qua đó, được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo...

Theo một giáo viên tiểu học ở xã Hòa Bình (Trà Ôn), những vấn đề mà Thông tư 30 quy định đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó là việc đánh giá hoàn thành hoặc chưa hoàn thành chưa khơi gợi được tinh thần phấn đấu học tập của các em.

Lâu dần dễ làm cho các em xao lãng việc học hoặc học kém, dẫn đến những khó khăn trong những năm học kế tiếp.

“Xét về tính tích cực, những thay đổi mới sẽ sát với thực tế dạy và học, không đánh đồng HS, còn ở mặt tâm lý, sẽ khuyến khích được tinh thần phấn đấu của các em, phụ huynh cũng biết rõ hơn về sự cố gắng của con em họ trong học tập…”- giáo viên này cho biết.

Tránh việc đánh giá “nhân bản”

Một trong những ưu điểm của Thông tư 22 mà giáo viên tiểu học hưởng ứng nhất chính là việc giao cho giáo viên quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi chép những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội, nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

“2 năm thực hiện Thông tư 30, giáo viên rất mệt vì việc có quá nhiều loại sổ sách, một giáo viên phải đánh giá thường xuyên nhiều HS, liên tục mỗi ngày.

Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên vì không thể đánh giá hết HS mà đôi khi “nhân bản” lời đánh giá một cách chung chung, không cụ thể, không mang tính xây dựng cũng như kích thích tinh thần học tập của các em”- một giáo viên tiểu học ở TP Vĩnh Long cho biết.

Thầy Hiệu trưởng Võ Thành Long- Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ nhận xét, theo Thông tư 22, đánh giá HS sẽ chính xác hơn với từng đối tượng. Đồng thời, hướng dẫn đánh giá cũng rõ ràng, cụ thể hơn chứ không chung chung như quy định trước.

“Từ đó, giáo viên có thể theo dõi từng HS, đưa ra cách đánh giá cụ thể. Cộng với việc kiểm tra giữa kỳ thay vì chỉ cuối kỳ như trước sẽ giúp cho việc khen thưởng cuối năm sẽ dễ dàng, rõ ràng hơn. Việc thay đổi một số vấn đề trong thông tư mới cho thấy đã có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế hơn”…

 

 

Ghi nhận những ý kiến của giáo viên về Thông tư 30, hầu hết đều “bức xúc” về vấn đề sổ sách quá nhiều, vừa vất vả vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy.

 

Thầy Hiệu trưởng Đỗ Thành Tám- Trường Tiểu học Phú Quới A (Long Hồ) cho biết, theo Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS. “Có thể nói, giáo viên ít nhiều đã được cởi trói sổ sách so với trước, từ đó sẽ dành nhiều thời gian quan tâm, uốn nắn các em nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em”.

 

  • ™Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN