Kết nối phố

Đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 02/08/2023 (GMT+7)

Hiện nay, ĐBSCL có 174 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015, dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 35-36% và đến năm 2030 từ 42-48%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Song, đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai, biến đổi khí hậu, là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, như: TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang); TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau)…

Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42-48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, đô thị “nén”, thích ứng biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, bà Trần Thị Lan Anh- Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị- nông thôn “dành chỗ cho nước”; đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên.

Đồng thời, lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật với giải pháp phát triển giao thông- thủy lợi; liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích.

N. HOÀNG