Phiên giao dịch việc làm về huyện miền sông nước

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 29/11/2022 (GMT+7)
Tại phiên giao dịch việc làm ở Trà Ôn, nhiều học sinh cuối cấp THPT đã bước đầu lựa chọn, định hướng đường học hành, nghề nghiệp trong tương lai cho mình.
Tại phiên giao dịch việc làm ở Trà Ôn, nhiều học sinh cuối cấp THPT đã bước đầu lựa chọn, định hướng đường học hành, nghề nghiệp trong tương lai cho mình.

(VLO) Ngày 27/11, phiên giao dịch việc làm được Sở Lao động - TB - XH phối hợp với UBND huyện Trà Ôn tổ chức và là sự kiện lần đầu tiên về huyện trong năm nay. Ngày hội việc làm với chủ đề: Kết nối, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, phiên giao dịch việc làm là cầu nối để người lao động và người sử dụng lao động tiếp xúc, tìm hiểu thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực.

Tại đó ghi nhận 20 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, đem đến 2.000 vị trí công việc cùng sự chuẩn bị để tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng.

Sự kiện thu hút hơn 1.300 học sinh các trường THPT ở huyện Trà Ôn.

“Đây là cơ hội giúp học sinh, người lao động tìm hiểu sâu hơn các thông tin tuyển sinh, tuyển dụng, thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai” - ông Hiếu nói.

Nguyễn Huế Trang (lớp 12A6, Trường THPT Trà Ôn) dự ngày hội việc làm này cảm thấy “rất phấn khởi, có nhiều công ty đến hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp”.

Định hướng cho mình, Trang nói sẽ theo học ĐH ở TP Hồ Chí Minh và cố gắng làm việc đúng chuyên ngành đã học.

Quan tâm tìm hiểu thị trường lao động việc làm tại Vĩnh Long.
Quan tâm tìm hiểu thị trường lao động việc làm tại Vĩnh Long.

Đến với ngày hội để tìm hiểu về ngành nghề tuyển sinh đào tạo, Nguyễn Quang Phương Đạt (lớp 12A4, Trường THPT Hựu Thành) bày tỏ: “Em sẽ nỗ lực khởi đầu bằng con đường ĐH, chuyên ngành xây dựng và theo đuổi đam mê với nghề nghiệp này”.

Bạn Phạm Ngọc Hân đến sự kiện này với tâm thế khác: Có nhiều bạn định hướng vào ĐH sau khi hết lớp 12, nhưng với em như hoàn cảnh gia đình, điều kiện để học tập hay năng lực không cho phép, thì sẽ rẽ theo hướng khác. “Hướng đối với em là xuất khẩu lao động Nhật Bản, dưới dạng phổ thông.

Em thích ngành thực phẩm, mong muốn sau thời gian làm việc nước ngoài về có thêm kinh nghiệm, kinh tế giúp đỡ gia đình và có thể khởi nghiệp” - nữ sinh lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Xuân, tự tin chia sẻ.

Tương tự, Lê Đăng Khoa (lớp 12A5) cũng quan tâm tới chương trình xuất khẩu lao động. Khoa tham quan 3 gian hàng và “định hướng là sau khi hoàn thành THPT sẽ cố gắng theo đuổi con đường này”.

Rất nhiều dự định, lựa chọn từ học sinh cuối cấp THPT ở Trà Ôn để chuẩn bị đường hướng tương lai được ghi nhận trên. Đó chỉ là sự khởi đầu. Nhưng ở đó, sự tự tin và quyết đoán về con đường nghề nghiệp, việc làm của bản thân từng bạn hình thành rõ nét.

Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt khá từ đầu năm đến nay tại tỉnh đã phản ánh cung cầu này.

Công ty Hasu Asia (TP Hồ Chí Minh) cho biết có gần 50 bạn trúng tuyển xuất khẩu lao động và 4 bạn đã phái cử xuất cảnh, trong đó 2 bạn quê huyện Mang Thít.

Và thị trường lao động Nhật Bản.
Và thị trường lao động Nhật Bản.

Chuyên tuyển dụng, đào tạo, phái cử và quản lý nguồn lao động đi làm việc Nhật Bản, ông Trương Nhật Tài - Phó Giám đốc công ty, cho biết rất quan tâm chính sách giới thiệu việc làm cho lao động sau khi đi xuất khẩu lao động trở về và ưu tiên giới thiệu về tỉnh nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhân - trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực Mekong (trụ sở TP Hồ Chí Minh), cho biết đơn vị chuyên đào tạo Nhật ngữ, tư vấn du học và đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Hiện 2 đơn hàng tuyển dụng, đào tạo, đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản thế mạnh là may và chăm sóc sức khỏe.

Mekong chỉ thu phí khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh; hỗ trợ người lao động thủ tục vay vốn ưu đãi của địa phương để xuất khẩu lao động; trong quá trình đào tạo nếu học viên có nhu cầu làm thêm thì đơn vị sắp xếp vừa học vừa làm để có thu nhập cá nhân.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã “bay” (xuất cảnh) sang Nhật hơn 200 lao động, còn hơn 300 lao động đang học để hoàn thành và xuất cảnh.

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, điểm đáng quan tâm của phiên giao dịch việc làm này là sớm đưa người lao động trở lại với thị trường lao động, lấy người lao động và doanh nghiệp làm trọng tâm để đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Đặng Vinh Hiển - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Lao động - TB - XH) cho biết sau hoạt động này, trung tâm sẽ phối hợp TX Bình Minh tổ chức sự kiện tương tự vào tháng 12 tới và đây là 2 phiên giao dịch việc làm đưa về huyện trong năm nay.

Đây là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu, chủ trương, chiến lược định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động...

Bài, ảnh: MINH THÁI