Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến chất lượng, hiệu quả

Cập nhật, 16:00, Thứ Tư, 31/08/2022 (GMT+7)
Lãnh đạo tỉnh trong lễ phái cử thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản năm 2019.
Lãnh đạo tỉnh trong lễ phái cử thực tập sinh qua làm việc tại Nhật Bản năm 2019.

(VLO) Thời gian qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.

Qua đó, đem lại nguồn thu nhập cho người lao động và gia đình, đóng góp vào công tác giảm nghèo; tích lũy, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo nguồn ngoại tệ cho đất nước, góp phần xây dựng quê hương.

Bạn Nguyễn Hữu Nghị (20 tuổi, ngụ Vũng Liêm) học công nghệ ô tô Trường CĐ Nghề Vĩnh Long dự chương trình “cà phê việc làm” do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tháng 4/2022, chia sẻ quan tâm tới thị trường lao động Nhật Bản và “em sẽ theo đuổi hành trình này với ngành nghề của mình đang học”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Thân (32 tuổi, ngụ Bình Tân) đi làm việc ở Nhật Bản 5 năm, trở về địa phương năm 2021. “Sau quá trình đó, nay tôi xây được căn nhà khang trang cho cha mẹ. Bây giờ ưu tiên là công việc ổn định tại tỉnh nhà, chăm lo gia đình”- anh kể khi phỏng vấn tuyển dụng vào một công ty linh kiện điện tử 100% vốn Nhật Bản đóng tại Khu công nghiệp Bình Minh.

Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và bằng nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian qua.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 997 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 58,65% so với kế hoạch 1.700 người năm 2022); gồm thị trường Nhật Bản 866 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 123 lao động, còn lại là thị trường Hàn Quốc và các nước khác.

Theo ông Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc. Ngành cùng các địa phương đang nỗ lực để tỉnh hoàn thành kế hoạch đưa 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2022.

Sinh viên tìm hiểu thông tin thị trường lao động ngoài nước trong một chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm.
Sinh viên tìm hiểu thông tin thị trường lao động ngoài nước trong một chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, từ 2016- 2019, mỗi năm Việt Nam có từ 40.000- 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2020- 2021, dịch bệnh COVID-19 khiến công tác này gặp nhiều khó khăn, số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người; năm 2021 là 45.058 người.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, thị trường lao động nước ngoài dần hồi phục, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81.000 người, bằng 90% kế hoạch và dự kiến năm 2022, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.

Tính đến nay, cả nước có 451 tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quy mô tăng nhanh từng năm. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên 25.

Đến nay đã đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40%; tạo việc làm cho từ 7- 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm; bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ đô la.

Các kết quả này không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước.

Đồng thời, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.

“Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu hướng tất yếu”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho rằng định hướng chung là đảm bảo hài hòa lao động trong nước và lao động ngoài nước, duy trì ở mức 500.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cần đặc biệt chú ý cung cầu lao động, cùng với khai thác tốt kiến thức, trình độ của lực lượng này khi làm việc ở nước ngoài trở về gắn với hiệu quả sử dụng lao động trong nước.

Thêm về thị trường lao động ngoài nước, ngoài 25 thị trường hiện tại, ngành cùng các cơ quan liên quan sẽ xúc tiến mở rộng, nhất là thị trường Châu Âu, Úc... Và một trong các điểm quan trọng còn là đổi mới công tác dạy nghề gắn với đào tạo bài bản, tạo nguồn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp đơn vị có năng lực để tăng cường tư vấn, đào tạo nghề, ngoại ngữ tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hỗ trợ người lao động vay vốn tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Bài, ảnh: MINH THÁI