Lưu ý khi chọn ngành và đăng ký xét tuyển đại học năm 2021

Cập nhật, 14:56, Thứ Năm, 08/04/2021 (GMT+7)

 

TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng dẫn chọn ngành.
TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng dẫn chọn ngành.

(VLO) Qua các buổi tư ván tuyển sinh, có thể thấy học sinh không chỉ quan tâm đến ngành nghề, trường mà còn chưa hiểu rõ về đăng ký xét tuyển, thậm chí là không biết mình thích ngành gì? Không biết nên học ngành mình thích hay ngành cha mẹ chọn?

Chọn ngành theo ai?

Không ít học sinh chưa xác định được mình thích ngành gì nên thường có xu hướng chọn ngành theo bạn bè, chọn ngành hot, hoặc chọn ngành theo tổ hợp mà các em đang lớn điểm nhất.

TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng dẫn chọn ngành: “Các em cần xác định các nhóm sở thích nghề nghiệp nổi trội nhất, tiếp đến xác định các nghề quan tâm nhất, thích nhất và xác định những ngành học thích nhất, trường ĐH, CĐ thích nhất, kết quả học tập khối thi nổi trội nhất… hoặc chưa biết thích ngành gì thì ít nhất phải trả lời được câu hỏi, mình thích làm việc với con người, với máy móc hay với con số dữ liệu?”.

Từ những phân tích đó, học sinh có thể hiểu bản thân mình thích gì và phù hợp với việc gì. Bên cạnh, TS. Lê Thị Thanh Mai còn giới thiệu học sinh trắc nghiệm chọn ngành trên trang hướng nghiệp của Trường ĐH Công nghệ thông tin.

Em Vũ Trọng Nghĩa- học sinh lớp 12A9, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) đặt câu hỏi với ban tư vấn.
Em Vũ Trọng Nghĩa- học sinh lớp 12A9, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) đặt câu hỏi với ban tư vấn.

Trong khi đó, một số học sinh băn khoăn về ngành mình chọn và ngành ba mẹ chọn. Em Vũ Trọng Nghĩa- học sinh lớp 12A9, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) cũng đặt ra một vấn đề cho các thầy cô nhờ trong buổi tư vấn tuyển sinh về "em có nguyện vọng muốn vào sư phạm Sử mà ba mẹ có mong muốn em vào sư phạm tiếng Anh".

Nghĩa cho biết thêm, 2 môn này em đều học được, nhưng có đam mê môn Sử hơn, nên “em mong muốn có lời khuyên từ ban tư vấn".

Câu hỏi của Nghĩa nhận được nhiều ý kiến tư vấn của các thầy cô. Tư vấn về việc chọn ngành sư phạm Sử hay sư phạm Tiếng Anh, PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền- Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ mở ra một hướng mới vẹn cả đôi đường:  "Nếu em đã quyết định học sư phạm Sử theo đúng mong muốn thì học ngôn ngữ Anh không khó. Khi em vào trường ĐH rồi, có thể đăng ký học ngành hai là ngôn ngữ Anh".

TS Phạm Tấn Hạ- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh lưu ý: "Em chọn sư phạm Sử là đam mê, còn ba mẹ khuyên chọn tiếng Anh vì thực tế sư phạm Anh cho cơ hội việc làm nhiều hơn. Em cân nhắc lựa chọn làm sao vừa phù hợp sở thích và phù hợp điều kiện thực tiễn".

Đăng ký dự thi lưu ý gì?

Bộ GD-ĐT vừa công bố mẫu phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Hồ sơ ĐKDT gồm 5 phần: Thông tin cá nhân; thông tin đăng ký dự tuyển; thông tin để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ (thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bỏ qua phần này); cam đoan và xác nhận.

Trong đó, lưu ý, nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển vào ĐH thì ở phần này, thí sinh phải đánh vào nội dung số 9 và điền thông tin theo yêu cầu của phần thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH.

Ở mục số 21 của phần thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, thí sinh chỉ được chọn một phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển: hoặc trực tuyến (điểm a) hoặc bằng phiếu (điểm b) và buộc phải tích chọn vào một trong hai ô tại điểm a hoặc điểm b. Ngoài ra, thí sinh bắt buộc phải ghi tổng số nguyện vọng.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình quan tâm.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình quan tâm.

Bà Hoàng Thúy Nga- Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD- ĐT lưu ý, học sinh được đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ không giới hạn nguyện vọng, tuy nhiên phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất, các em trúng tuyển nguyện vọng nào rồi thì các nguyện vọng sau sẽ không được xét tuyển nữa.

"Chính vì vậy trong quá trình đăng ký xét tuyển, các em lưu ý sắp xếp thứ tự nguyện vọng làm sao cho nguyện vọng nào mình yêu thích nhất, mong muốn được học nhất thì đưa lên đầu tiên"- bà Nga nói.

Bên cạnh, nhiều học sinh còn chưa hiểu rõ về các phương thức xét tuyển “em có được chọn nhiều phương thức cùng lúc không hay khi rớt phương thức này mới được đăng ký phương thức khác”.

Bà Hoàng Thúy Nga ví phiếu điểm như “giấy thông hành” khi học sinh quyết định nhập học thì nộp giấy thông hành này để xác nhận nhập học và khi đã xác nhận thì tờ giấy này không còn giá trị để xác nhận ở nơi khác.

PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng- Quyền Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tất cả các phương thức xét tuyển đều có giá trị như nhau.

Em có thể đăng ký nhiều phương thức cùng lúc ở cùng một ngành, một trường”. Tuy nhiên, PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng cũng nhấn mạnh “dù xét bằng bao nhiêu phương thức thì chỉ đăng ký nhập học được ở một nơi mà thôi”.

Thầy Hùng lưu ý như vầy vì thực tế đã có trường hợp học sinh điểm cao, trúng tuyển nhiều trường nhưng cuối cùng vì “ngồi suy nghĩ lâu quá mà không xem thời hạn nộp hồ sơ”, đến khi quyết định thì đã hết hạn nhập học.

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Từ 27/4- 11/5, đăng ký dự thi điều chỉnh thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chính thức trong 2 ngày 7 và 8/7.

Dự kiến 26/7 công bố điểm thi.

Chậm nhất 28/7/2021 xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN