Làm dịu phần nào nỗi đau mang tên da cam

Cập nhật, 05:01, Thứ Bảy, 10/08/2019 (GMT+7)

Hơn 6.000 người dân Vĩnh Long bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin là những “vết thương chiến tranh” để lại, những người con sinh ra không lành lặn. Tình yêu thương của gia đình, xã hội như làm dịu đi những nỗi đau. Hạnh phúc đơn giản của nạn nhân da cam là được sẻ chia, được sống hạnh phúc bên gia đình với những gì mình đang có.

Cô Yến tập vật lý trị liệu cho Phượng Loan mỗi ngày 4 tiếng. Bên phải là anh trai của Loan.
Cô Yến tập vật lý trị liệu cho Phượng Loan mỗi ngày 4 tiếng. Bên phải là anh trai của Loan.

Vượt nỗi đau, thoát nghèo

Thấy có khách đến thăm, cô Lâm Ngọc Hoàng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) bỏ mớ cỏ đang cắt ven đường với ra vườn gọi chồng là chú Lê Văn Quang vào nhà.

Căn nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi và cao ráo được xây dựng năm cô chú thoát nghèo. Mấy người con cô chú thấy khách thì bỡ ngỡ tránh ra sau bếp, không cười, không nói một lời nào.

Vợ chồng chú Quang và cô Hoàng đã gần 70 tuổi vẫn lam lũ, tất bật mỗi ngày vì lo cho 5 người con là 5 nạn nhân của chất độc da cam (CĐDC).

Năm 1976, chú Quang đi bộ đội chiến trường K được hơn 1 năm thì bị sốt rét về quê phục viên. Chú Quang nói: “Tôi cũng không rõ mình bị nhiễm da cam hồi nào vì cái miệt này hồi chiến tranh máy bay phun chất độc cây trơ trụi lá rồi”.

Năm 1982, con gái đầu lòng của chú ra đời lớn lên như bao đứa trẻ khác nhưng chậm nói, chậm đi. Cô Hoàng nhỏ giọng: “Mấy đứa con lần lượt ra đời, lần lượt có lớn mà chẳng có khôn, có đứa 9 tuổi mới biết đi”.

Cô Hoàng không nhớ nổi mình đã khóc, đã buồn, đã mong ước, đã đi nuôi bệnh các con bao nhiêu lần. Cô Hoàng nhìn xa xăm: “Những năm đó cứ nghĩ mình không may, muốn cho con có anh có em nương tựa nhau nên sanh một hơi 5 đứa, vậy mà 4 gái 1 trai đều bị ảnh hưởng CĐDC”.

Những người con của cô chú đều chậm phát triển trí tuệ, người khá nhất là anh Lê Lâm Trung Hậu- con trai duy nhất. 4 trong 5 người con của chú được nhận trợ cấp khuyết tật hàng tháng.

“Các chị gái là Lê Lâm Thúy Hằng, Lê Lâm Thúy Phương và em gái là Lê Lâm Thúy Diễm và Lê Lâm Thái Hòa khờ hơn, không đi học được, chỉ nói được tiếng một và Thái Hòa còn bị bệnh tim rất nặng”. Nói rồi, cô Hoàng lấy lược chải đầu tươm tất cho con gái út Thái Hòa. Ở tuổi 29, Hòa đã mấy phen thập tử nhất sinh vì bệnh tim.

Cô Hoàng (trái) dạy các con lặt rau.
Cô Hoàng (trái) dạy các con lặt rau.

Chú Quang ngồi nhìn vợ con, hớp ngụm trà và nói: “Nhìn đằng trước thì thấy mình khổ, nhìn đằng sau, tui mừng vì sắp nhỏ có khờ, có yếu nhưng còn đi đứng được. Có đứa tự chăm sóc được bản thân. Thằng Hậu cũng học xong lớp 5”. Chấp nhận thực tế, vợ chồng chú chí thú làm ăn để có điều kiện tốt hơn chăm sóc cho các con.

Cũng nhờ chăm chỉ làm ăn mà gia đình chú thoát nghèo nhiều năm nay và mua thêm 5 công ruộng và gầy được 5 con bò lai sin. Chú Quang nhìn vợ con, nói: “Đêm hôm, khuya sớm gì cũng làm. Được vậy là nhờ hồi đó nuôi vịt chạy đồng, ăn đồng trắng chứ không trả tiền đồng như bây giờ. Ăn bờ ngủ bụi với vịt cực lắm”.

 “Ngày đá đơm bông”

Cách đây 4 năm, chúng tôi có dịp đến thăm hoàn cảnh của gia đình cô Trần Thị Như Yến và chú Huỳnh Thanh Nhã ở xã Trà Côn (Trà Ôn)- một gia đình khó khăn có 2 người con là nạn nhân CĐDC.

Cô chú có 2 người con là Huỳnh Thanh Liêm 35 tuổi và Huỳnh Thị Phượng Loan 26 tuổi. Bị sốt bại liệt từ nhỏ, anh Liêm không đi đứng hay ngồi được mà chỉ nằm tại chỗ. Chân tay teo tóp không cử động được, chỉ ú ớ và dùng ngôn ngữ ký hiệu.

Phượng Loan phơi nhiễm nhẹ hơn vẫn đi đứng được nhưng đi không vững, có lần còn té gãy tay. Mọi sinh hoạt của 2 con đều do cô Yến phụ trách. Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng cô là khi chết đi không biết ai sẽ chăm sóc 2 con.

Loan đã đẩy anh Liêm đi chơi được rồi!
Loan đã đẩy anh Liêm đi chơi được rồi!

Cô rớt nước mắt: “Chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con, nhà cửa nợ nần chồng chất. Tôi nhớ có lần mưa giông, cái nhà ọp ẹp xiêu vẹo. Chồng thì đi làm xa, tui ôm hai con núp dưới gầm bàn, nước mắt chảy như mưa”.

Cũng có lần, cô Yến pha chén thuốc định tự tử cùng con… Được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin hỗ trợ ngoài tiền trợ cấp hàng tháng cho con thì cô còn được cho nhà nhân ái. Rồi cô Yến nuôi heo nái, chú Nhã từ phụ hồ học hỏi lên làm thợ hồ, dần trả hết nợ nần.

Lần này gặp lại, cô Yến cười thật tươi khoe: “Phượng Loan đỡ nhiều rồi, để cô kêu Loan ra cho con gặp”. Phượng Loan trông lanh lợi và trắng trẻo hơn đã biết khoanh tay “thưa chị”, Loan còn biết đẩy xe lăn cho anh Liêm cùng ra nói chuyện chơi.

Rồi cô vào nhà đem ra cho chúng tôi xem đủ thứ giấy tờ của bệnh viện, Phượng Loan được cấy tế bào gốc thành công. Tìm hiểu trên ti vi, cô Yến thấy công nghệ cấy tế bào gốc thích hợp với con vậy là cô điện thoại hỏi thăm và được hướng dẫn.

Cô Yến kể: “Ngày đi Sài Gòn sàng lọc cho Phượng Loan, bác sĩ cho biết cấy tế bào gốc được, tui mừng rớt nước mắt”. Niềm vui chưa hết thì bác sĩ nói chi phí cấy ghép 170 triệu đồng. Rồi bệnh viện hướng dẫn cô xin tài trợ từ Hội chữ thập đỏ thiện tâm, may mắn được hội hỗ trợ toàn bộ chi phí cấy tế bào gốc. Riêng chi phí đi lại, gia đình cô Yến được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin hỗ trợ.

Cô Yến cười, nghĩ lại mọi chuyện đã qua như một câu chuyện thần kỳ. Đã vài tháng sau cấy tế bào gốc, Phượng Loan đã có thể tự chăm sóc bản thân, phụ mẹ chăm sóc anh và đang dần hồi phục.

Nỗi ray rứt nhất của cô là anh Liêm “sàng lọc không thành công vì bác sĩ nói não thoái hóa rồi”- cô Yến vừa nói vừa khóc, kể thêm- “Hôm tôi đưa Phượng Loan về, Liêm nói con sắp được đi trị bệnh. Liêm sẽ khỏe, sẽ đi lại được. Rồi Liêm sẽ đi làm phụ ba, sẽ đào ao
nuôi cá…”.

Không quên chia sẻ với mọi người, cô Yến ghi tên, địa chỉ, số điện thoại bác sĩ cẩn thận vào quyển sổ, quy trình và thủ tục xin hỗ trợ cô Yến cũng ghi lại rõ ràng. Cô định đến họp mặt nạn nhân CĐDC thì photo đem theo mấy bản cho bà con mình.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: