Để phum sóc không còn hộ khó khăn

Cập nhật, 16:28, Thứ Tư, 07/08/2019 (GMT+7)

Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, UBMTTQ Việt Nam TX Bình Minh phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, thực hiện chương trình trao bò cho các hộ gia đình khó khăn; trong đó, riêng ở 2 ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2 (xã Đông Bình), có 11 gia đình đồng bào Khmer được hỗ trợ từ chương trình này.

Đây là hướng đi bền vững, tạo nguồn vốn khá cho bà con sau 2- 3 năm, phát triển ổn định kinh tế gia đình, kết hợp với nhiều cách làm ăn sáng tạo phát huy tốt nguồn vốn.

Bà Sơn Thị Thul (68 tuổi, ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình) chăm sóc bò, coi như “con gái cưng”.
Bà Sơn Thị Thul (68 tuổi, ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình) chăm sóc bò, coi như “con gái cưng”.

Cần linh động những trường hợp rủi ro

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình Nguyễn Thị Tha, năm 2017 địa phương tổ chức đợt trao bò cho 24 hộ khó khăn; trong đó, có 11 hộ đồng bào Khmer thuộc 2 ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2.

Bò giao cho bà con là giống lai Sind khoảng 10 tháng tuổi (150- 160 kg/con), khi bò đẻ sẽ tiếp tục giao bò giống cho những hộ khác. Hầu hết, bò được chăm sóc tốt ngoài những trường hợp gặp khó vì bò chết hoặc gieo tinh không đạt. Những trường hợp này sẽ được đổi bò mới.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm trời bỏ công chăm sóc không đạt hiệu quả là thiệt thòi lớn cho những hộ gia đình vốn đã khó khăn. Như một hộ ở ấp Đông Hậu, sau 4 lần gieo tinh không đạt nên nản chí quyết định trả bò lại cho chương trình.

Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Trạng, thì bò mẹ chết khi sinh con, nên phải tốn tiền sữa, thuốc men cho bê con nhưng nó vẫn không sống. Số tiền thuốc men, sữa hay tiền gieo tinh cho bò không đạt, dù chỉ 1- 2 triệu đồng, nhưng đối với những hộ nghèo là khoản tiền không nhỏ.

Trao đổi với lãnh đạo xã Đông Bình, ông Nguyễn Văn Chín- Phó Chủ tịch UBMTTQ TX Bình Minh- ghi nhận về lý, đúng hợp đồng phải chấp nhận những rủi ro; tuy nhiên, xét ở góc độ nghĩa tình, địa phương cũng muốn hỗ trợ phần nào cho số ít gia đình không được may mắn như thế này, nhưng không có quy định nào để giúp địa phương linh động giải quyết bù đắp phần nào thiệt thòi như công lao chăm sóc hơn năm trời, chi phí tốn kém… cho những trường hợp như thế này.

Đây cũng là kiến nghị từ thực tế, cần có hướng giải quyết linh động để gỡ khó cho số ít trường hợp đặc biệt như thế. Còn lại, đa số bà con đều phấn khởi vì chương trình đã tạo cơ hội mang lại một hướng đi ổn định cho kinh tế gia đình. 1 con bò giống trưởng thành có giá 30- 40 triệu đồng, đây là số tiền rất lớn đối với những hộ nghèo nông thôn.

Vượt qua nghèo khó

Những đồng vốn tạo niềm hy vọng lớn lao cho mỗi gia đình khi được tham gia chương trình. Điểm nổi bật, là sau khi nhận bò, nhiều bà con chăm sóc tốt; đồng thời, có những cách làm ăn sáng tạo riêng, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn quý giá giúp cho kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Xóm dưới của ấp Phù Ly 1 nằm như tách biệt hẳn ngoài đồng, nhưng con đường đan đã giúp cho việc đi lại khá dễ dàng trong những ngày mưa rả rích.

Đến thăm gia đình ông Thạch Vinh (67 tuổi) và bà Sơn Thị Thul (68 tuổi), chúng tôi thấy bà Thul đang đội mưa lui cui ngoài chuồng bò. Xách từng xô nước dưới mương lên tỉ mẩn tắm rửa cho bò mẹ và con bê được 7 tháng tuổi, bà Thul cười, nói giọng trìu mến: “Đang tắm cho con gái cưng tui đó”.

Ý bà là chỉ con bê cái được chăm sóc cẩn thận nên tròn trịa mập ú, để vài tháng nữa sẽ giao lại con giống cho chương trình tiếp tục hỗ trợ cho người khác. Vợ chồng bà đều lớn tuổi, không có đất canh tác mà tuổi này cũng không có sức đi làm thuê mướn gì, giờ tất cả trông cậy vào đây. Không lâu sau, bò cái sẽ đẻ tiếp, coi như có chút đỉnh phòng thân
dưỡng già.

Sáng sớm bà Thul đi bộ dài theo những cánh đồng, bờ kinh cắt cỏ cho bò, độ 2 tiếng đồng hồ thì “đủ cỏ cho 2 mẹ con nó ăn cả ngày, có khi ổng phụ”- bà Thul giải thích.

Để lo cái ăn hàng ngày, ông Thạch Vinh lại “nuôi vịt hùn” với người hàng xóm, hốt bầy vịt đẻ 200 con “người ta ra tiền, còn mình bỏ công nuôi, mỗi ngày rớt hột khoảng 150 trứng”.

Không khó hình dung công việc hàng ngày khá nhọc nhằn với đôi vợ chồng già đã sắp bước vào tuổi 70 nhưng vẫn cần cù, chí thú, lại suy nghĩ thêm việc làm sau khi nhận hỗ trợ từ chương trình trao bò, tạo thêm nguồn thu nhập trước mắt và lâu dài. Vợ chồng ông Thạch Vinh và bà Sơn Thị Thul là hình ảnh đáng quý, cũng xứng đáng là tấm gương cho nhiều bạn trẻ trong phum sóc noi theo.

Nói về nuôi bò “mướn” ở Phù Ly 1, nổi tiếng có vợ chồng anh Kim Sang (42 tuổi) và chị Sơn Thị Phượng, họ đang chăm sóc phụ 1 con bò (nhận từ chương trình) cho ba mình là ông Kim Voi, con bò đang được “theo dõi đặc biệt” vì vừa mới gieo tinh.

Trong chuồng là 5 con bò khác anh nhận nuôi cho bà con trong xóm, bà con giao bò giống vợ chồng anh Kim Sang nuôi, khi bò đẻ thì chia đôi. Với cách làm này, gần 20 năm nay vợ chồng anh Sang và chị Phượng dù không có miếng ruộng nào nhưng cũng vừa cất được căn nhà tường khang trang gần 200 triệu đồng. Trong đó, địa phương hỗ trợ tôn, bộ kèo và đòn tay.

Chị Sơn Thị Phượng và chồng (ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình) có kinh nghiệm nuôi bò mướn gần 20 năm nay.
Chị Sơn Thị Phượng và chồng (ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình) có kinh nghiệm nuôi bò mướn gần 20 năm nay.

Chị Sơn Kim Phượng cho biết, vì nuôi bò nhiều nên phải mướn 1 công đất giá 2 triệu đồng/năm, để trồng cỏ. Rồi phải vựa rơm phụ thêm, nhất là vào mùa nắng.

Chị Phượng than: “Mấy bữa ổng nằm bệnh viện bên Cần Thơ, nhà có một mình cắt cỏ cực lắm”. Than vậy nhưng chị vẫn cười tươi rói, hàng ngày dậy thiệt sớm “lo cái ăn” cho mấy con bò, rồi chị kiếm việc rẫy đi làm thuê như cuốc đất, thu hoạch cho người ta, ngày cũng kiếm được 130.000đ.

Chỉ đơn cử vài trường hợp trong đồng bào Khmer để thấy rằng bà con rất chăm chỉ cần cù, không ngại cực khổ.

Đặc biệt, chương trình trao bò cho hộ nghèo đã phát huy tác dụng và nhiều bà con khi nhận bò hỗ trợ còn kết hợp thêm nhiều công việc nữa như nuôi vịt ăn chia, nuôi thêm bò ăn chia, thậm chí đi làm thuê để lo cái ăn hàng ngày, nhằm bảo vệ được những đồng vốn quý giá từ những con bò giống.

Trong hợp đồng từ chương trình nhận bò giống, bà con nhận bò khoảng 10 tháng tuổi (150- 160 kg/con), sau khi bò trưởng thành sinh sản, chăm sóc bê con cũng tầm 150kg thì chương trình sẽ giao tiếp bò giống cho những hộ nghèo khác. Riêng xã Đông Bình đã giao đợt bò năm 2017 cho 24 hộ, qua thống kê chỉ có 3 trường hợp không đạt, đây là tỷ lệ rủi ro chấp nhận được. Có điều, chính quyền địa phương cũng băn khoăn, nếu có được quy định linh động hơn, để có thể bù đắp phần nào thiệt thòi cho những hộ này thì sẽ hợp lý, hợp tình hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: