"Giờ tôi tự viết được tên mình"

Cập nhật, 14:24, Thứ Ba, 11/07/2017 (GMT+7)

Những học viên lớp học xóa mù chữ ở xã Hiếu Thành và Trung Thành (Vũng Liêm) không còn trẻ, có người đã quá lục tuần. Họ là những nông dân lam lũ đã sống cuộc đời không hề biết chữ. Nhưng nay có điều kiện, họ quyết tâm tìm đến con chữ, để có thể “tự viết được tên mình”...

 

Thầy Nguyễn Thành Ân cùng các học viên trong lớp học xóa mù chữ ở ấp Xuân Minh 2.
Thầy Nguyễn Thành Ân cùng các học viên trong lớp học xóa mù chữ ở ấp Xuân Minh 2.

“Đi tìm” con chữ

Trong cơn mưa lất phất, chạy xe theo con đường đan quanh co rồi đi bộ gần 2km băng qua những cánh đồng, chúng tôi tìm đến ấp Xuân Minh 2 (xã Trung Thành). Lớp học đặc biệt có 6 học viên với 5 người là đồng bào dân tộc Khmer.

2 tháng nay, cứ 5 giờ chiều là họ lại quây quần học chữ trên sân nhà của một người dân địa phương với bàn ghế và chiếc bảng đen kê tạm.

Thầy Nguyễn Thành Ân đang dạy môn Tiếng Việt, chốc chốc lại xuống tận bàn cầm tay giúp các học trò tập viết, tập phát âm cho chuẩn. Những đôi bàn tay chai sạn, quanh năm cầm xẻng, cầm cuốc kiên nhẫn viết từng con chữ.

Ngòi bút nắn nót trên giấy, tiếng đọc bài đồng thanh của những học trò- có người 27 tuổi nhưng cũng có người đến 45 tuổi- phá tan không gian yên tĩnh giữa ruộng đồng.

Khi chính quyền địa phương vận động mở lớp xóa mù chữ, thầy Ân nhận lời ngay. Thầy nói: “Sự mong chờ và cố gắng học tập của người dân ở đây trở thành động lực để tôi đến dạy bất kể trời nắng hay trời mưa”.

Thầy nhớ lại có hôm con đường từ ruộng vào lớp nước xăm xắp dưới chân, tới lớp mà cứ sợ… té xuống ruộng.

Chị Thạch Thị Thùy Linh (45 tuổi) là học viên lớn tuổi nhất lớp. Thu nhập từ 2 công đất mướn làm lúa không đủ trang trải, hàng ngày chị còn tất tả thức khuya dậy sớm làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chị nói ở tuổi của mình tiếp thu không còn tốt nữa, nản lắm, nhưng “nhờ thầy và mọi người động viên, cứ học hoài rồi biết đọc chữ khi nào cũng không hay”.

Còn lớp học xóa mù chữ ở xã Hiếu Thành có 7 thành viên từ 42- 60 tuổi. Ông Phạm Văn Tấn Lực năm nay đã 60 tuổi chia sẻ ba mẹ mất khi ông còn nhỏ, lại vì chiến tranh mà không được học đến nơi đến chốn nên làm gì cũng khó: không thể dùng điện thoại, đi đâu cũng không biết tìm đường, giấy tờ sổ sách cũng không biết ký tên mà chỉ lăn tay, đi khám bệnh lãnh thuốc uống cũng phải nhờ người ta ký tên giùm. “Khi nghe có mở lớp học, tôi phấn khởi lắm.

Ban ngày thì đi ruộng mà cứ trông tới chiều để được học. Mắt tèm nhem không nhìn rõ, phải lấy đèn pin rọi từng con chữ mà vẫn mê lắm”- ông Lực vừa nói vừa cười.

Ông Phạm Văn Tấn Lực (xã Hiếu Thành) miệt mài học chữ khi đã bước sang tuổi 60.
Ông Phạm Văn Tấn Lực (xã Hiếu Thành) miệt mài học chữ khi đã bước sang tuổi 60.

Mong tương lai tươi sáng hơn

Ông Lực kể lúc đầu ông rất ngại khi đã là nội, ngoại của cả chục đứa cháu mới bắt đầu tập tành đánh vần từng con chữ. Tuy nhiên gia đình, con cái hết lòng động viên, giờ ông lại thấy tự hào khi trở thành tấm gương cho các cháu.

“Chỉ mong tụi nhỏ ý thức được chuyện học tập suốt đời để có tương lai tốt đẹp hơn thế hệ chúng tôi. Giờ biết chữ, có thể tính toán khi buôn bán mà không phải nhờ vả ai, khỏe hết biết!”- ông nói với ánh mắt cười mà đuôi mắt vốn hằn nhiều vết chân chim.

Vợ chồng chị Thạch Thị Thúy Minh (39 tuổi) và anh Lâm Thiết (40 tuổi) cùng học lớp ở ấp Xuân Minh 2. Chị kể ngày xưa gia đình khó khăn lại đông anh em nên phải gác lại giấc mơ đến trường.

Có chồng, có con lại càng khó khăn hơn, nhưng “khi nghe chính quyền địa phương vận động mở lớp, vợ chồng chị đăng ký liền”. Anh Thiết ngồi bên cạnh gật gù: “Tan học, tụi tui còn đi quét chợ tới khuya mới về, cực lắm nhưng vẫn tranh thủ học để biết chữ, biết viết”.

Thầy Huỳnh Bá Anh Tuấn là giáo viên lớp học ở xã Hiếu Thành, nói rằng dạy những lớp học đặc biệt thế này toàn là bà con chòm xóm, coi như những người thân giúp đỡ nhau chứ không nghĩ là thầy trò.

“Để dễ hiểu thì tôi phải liên hệ bài học, con số với ruộng đồng, với những gì gần gũi trong cuộc sống để tiết học sinh động, dễ hiểu. Nhìn thấy bà con vui mừng đọc được chữ, viết được tên mình, tôi cũng hạnh phúc theo”- thầy Tuấn bộc bạch.

Ông Ngô Văn Hiểu- Chủ tịch Hội khuyến học xã Hiếu Thành- cho biết những lớp học như thế này thực sự ý nghĩa. Với sự nỗ lực vượt khó, người dân rồi sẽ biết đọc, biết viết, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với họ dễ dàng hơn. Họ biết đọc sách vở để áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.

Mà trước mắt, niềm vui sướng mà các học sinh nông dân có thể tự hào là: “Giờ tôi tự viết được tên mình”…

 

Trong năm 2017, huyện Vũng Liêm mở 3 lớp học xóa mù chữ ở xã Hiếu Thành, Trung Thành và Trung Thành Đông. Lớp dạy 2 môn Toán và Tiếng Việt, với 21 học viên, có 5 người là đồng bào dân tộc Khmer. Sau khi kết thúc khóa học vào tháng 8, các học viên được kiểm tra công nhận hết lớp 1 sẽ triển khai tiếp tục mở lớp 2.

 


Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY