Đào tạo nghề theo địa chỉ cho lao động nông thôn

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 29/06/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả, tạo cơ sở để nâng cao số lượng, chất lượng dạy nghề cho LĐNT trong những năm tới. Với chủ trương đào tạo nghề theo địa chỉ nên sau khi học nghề người LĐ có việc làm chiếm tỷ lệ khá cao.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu của người lao động và xã hội. Người dân được chủ động chọn nghề và thời gian học.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu của người lao động và xã hội. Người dân được chủ động chọn nghề và thời gian học.

Đào tạo nghề nông thôn theo nhu cầu, địa chỉ

Nhận thấy thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao, nên Hội LHPN xã Hậu Lộc liên kết với trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp tiểu thủ công nghiệp như đan lục bình, đan lác, đan dây mây,… giúp cho nhiều chị em tăng thu nhập.

Nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, gia đình bà Nguyễn Thị Nhanh (Ấp 4) có trên 10 năm gắn bó với nghề đan lục bình.

Nhận thấy nghề này không quá vất vả, không tốn chi phí đầu tư lại có thể làm vào những lúc rảnh rỗi, nên bà Nhanh đã học lớp dạy đan do Hội LHPN xã tổ chức.

Đến nay, bà có thể đan từ 3- 4 sản phẩm/ngày. Bà Nhanh cho biết: “Thu nhập chính của gia đình tui từ mần ruộng, nhưng mà không cao nên đươn thêm lục bình, tháng kiếm thêm 1,5- 2 triệu đi chợ, cho con ăn học”.

Trong các lớp dạy nghề nông nghiệp thì lớp đan đát và may công nghiệp là mô hình khá thành công. Hầu hết LĐNT sau khi học nghề đều có việc làm tại các doanh nghiệp, tại nhà. Một số người còn thành lập tổ hợp tác nhận gia công tại nhà giúp LĐNT có việc làm, tăng thu nhập.

Chị Trần Thanh Thu (ấp Thạnh Trí, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) cho biết: “Chị nhận hàng về làm và dạy cho trên 100 chị em cùng làm”.

Ở nông thôn, người dân làm nông nghiệp là chủ yếu. Vì thế, việc đẩy mạnh các lớp dạy chăn nuôi, trồng trọt sao cho phù hợp với thực tế địa phương là rất cần thiết.

Anh Võ Văn Nhựt (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cho biết: “Được học lớp chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, tui áp dụng liền vô nuôi đàn dê, từ 4 con giờ được mười mấy con”.

Theo ghi nhận tại huyện Trà Ôn, các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp thu hút khá đông người tham gia.

Thời gian qua, huyện đã triển khai đều đặn nội dung này với nhu cầu thiết thực từ đời sống nông thôn như: kỹ thuật vỗ béo bò, trồng nấm rơm hoặc kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi cho ra trái nghịch vụ luôn có nhu cầu cao từ nông dân.

Gần đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân phối hợp với Công ty May Phước Thới (huyện Ô Môn- TP Cần Thơ) mở lớp dạy nghề và giải quyết việc làm theo địa chỉ cho trên 100 lao động, được công ty hỗ trợ kinh phí dạy nghề và nhận vào làm việc với thu nhập ổn định.

Nâng chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT

Trong năm 2017, Vĩnh Long đào tạo nghề cho 5.500 LĐNT, trong đó dự kiến đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.500 người, phi nông nghiệp cho 4.000 người. Tính đến nay, tỉnh đã đạt gần 50% kế hoạch.

Có thể thấy, nếu việc dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển nông thôn mới, giúp nông dân thoát nghèo, trở thành người có thu nhập cao, có cuộc sống tốt hơn.

Để nâng cao hiệu quả, ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- cho biết, ngành tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT tại 8 huyện- thị- thành để người dân học nghề xong được làm đúng nghề đã học.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là nhu cầu học nghề của người LĐ tại các xã đang xây dựng nông thôn mới, các doanh nghiệp, hợp tác xã và làng nghề truyền thống để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Bên cạnh đó, ngành đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở dạy nghề; tiếp tục xây dựng lại chương trình đào tạo một số ngành nghề có hiệu quả cao trong đào tạo nghề cho LĐNT.

Ngành sẽ phối hợp với ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và các cơ sở khác tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho lực lượng người dạy nghề LĐNT...

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc ngành tiếp tục xây dựng một số mô hình điển hình về đào tạo nghề.

Cụ thể như các mô hình đào tạo nghề trong doanh nghiệp gắn với giới thiệu việc làm cho LĐNT; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu học nghề thực tế của LĐNT nhằm đảm bảo cho họ có việc làm phù hợp sau khi học nghề, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2016, tỉnh tổ chức 348 lớp đào tạo nghề cho 8.281 LĐNT, đạt 165,62% kế hoạch. Số LĐNT có việc làm phù hợp với nghề được học là 7.279 người, đạt 87,9%, trong đó có 1.547 người được đơn vị tuyển dụng, 2.745 người được đơn vị bao tiêu sản phẩm và 2.987 người tự tạo việc làm.

Một số mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT hiệu quả là: mô hình trồng lúa thuần chủng chất lượng cao theo kỹ thuật canh tác mới; mô hình canh tác đa canh tổng hợp; mô hình trồng cây ăn quả đặc sản; nuôi trồng thủy sản nước ngọt; mô hình dạy các ngành nghề ở lĩnh vực kỹ thuật- sửa chữa- dịch vụ…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG