Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Cập nhật, 09:19, Thứ Bảy, 09/04/2016 (GMT+7)

 

Lần hiến máu gần đây nhất của chị, chị nói còn sức khỏe chị còn hiến máu tiếp.
Lần hiến máu gần đây nhất của chị, chị nói còn sức khỏe chị còn hiến máu tiếp.

Nụ cười của chị luôn rất tươi vui, rạng rỡ. Nên mấy ai biết được chị đã trải qua biết bao đau khổ trong cuộc đời và dũng cảm đứng lên bước tiếp, bởi “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”: nấu cơm cho người bệnh tâm thần, 19 lần hiến máu, đã đăng ký hiến mô, hiến tạng và hiến xác.

Đó là chị Võ Thị Trúc Duyên- Giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential chi nhánh Vĩnh Long.

Sống là cho

Tôi quen biết chị Trúc Duyên như một cái duyên trong những chương trình nhân đạo mà công ty chị tổ chức, tôi là người đưa tin. Đôi tay rắn chắc, khỏe mạnh của chị luôn sẵn sàng bồng bế những cụ già lên xe lăn, xe lắc. Chị đi hiến máu lại gặp tôi, chị luôn hóm hỉnh, vui vẻ và hòa đồng với mọi người.

Chị Duyên cười, khoe tôi thư mời của Hội Vận động hiến mô tạng quốc gia: “Chị là thành viên ban điều phối của hội”.

Sau khi đọc được những thông tin trên báo, năm 2005, chị Duyên đến tận Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tham quan và quyết định đăng ký hiến xác, hiến mô, hiến tạng.

“Sinh viên trường y phải thực tập trên xác gỗ vì không có xác người thật.Tôi nghĩ, mình không mạnh dạn thì làm sao có bác sĩ giỏi”- chị Duyên nói. Chị cũng tự tìm hiểu quy trình hiến xác và hào hứng cho tôi xem những giấy tờ có liên quan như giấy xác nhận hiến mô, tạng, hiến xác, hiến máu, rồi khi chị chết báo ai,…

“Tôi mất, có 12 giờ để tại nhà- rất đúng tâm nguyện vì tôi không thích lễ cúng rườm rà”. Chị nói nhẹ tênh như chuyện bình thường về quy trình lấy xác: Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh sẽ xuống lấy xác tôi về. Họ phẫu thuật lấy mô và các bộ phận có thể thay thế cho những người cần.

Sau đó, xác được bảo quản và cho sinh viên thực tập, được khoảng 10 năm thì “không xài được nữa”, có thể lấy xương cho sinh viên học và khi xương không còn sử dụng được sẽ thành tro, tro cũng có thể nghiên cứu, học tập được, đến khi tôi trở thành cát bụi là hết.

“Tôi rất quý bản thân mình, vì mỗi con người là một tài sản, cho nên tôi muốn sử dụng hết tài sản đó trước khi tôi trở thành cát bụi”- chị Duyên nói.

Năm 2007, đọc được tin ông A.Riedl- nguyên Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam đang cần thay thận, chị đã khăn gói ra đến tận Hà Nội để làm xét nghiệm hiến thận.

Chị nói “Tôi đã xin nghỉ phép, đã tự bỏ tiền túi đi từ Vĩnh Long ra đến Hà Nội với mong muốn giúp ông ấy, tiếc là không phù hợp”. 2 lần sau là năm 2008 và 2009, chị lại đăng ký hiến thận nhưng đều không phù hợp.

Song song đó, chị Duyên còn là người có 19 lần hiến máu tình nguyện. Đó là tấm lòng của người “nghe tin sập cầu Cần Thơ năm 2007, tôi liền chạy xe máy tới nơi để kịp hiến máu cứu người”- chị Duyên cười.

 Chị Duyên cùng nhóm nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần.
Chị Duyên cùng nhóm nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần.

Và gieo hạt yêu thương

Không chỉ biết sống vì mọi người, người phụ nữ ấy còn “gieo hạt yêu thương” của mình đến bạn bè, mọi người xung quanh để góp thêm hương sắc cho cuộc đời.

Ngoài bản thân tự đăng ký hiến mô, hiến xác, hiến tạng, chị Duyên còn vận động 5 người khác tham gia. Đưa cho tôi xem một bao thư đỏ, chị cất giữ cẩn thận những bản photo về việc làm của mình.

Chị Duyên nói: “Tôi có thói quen cẩn thận, luôn đem giấy tờ này trong người không phải để khoe mà để lỡ có chuyện gì… Đây cũng chính là bí quyết giúp tôi vận động 5 người khác”. Theo chị, dù có trăm ngàn lời nói cũng không bằng một hành động và chính mình phải nêu gương.

Từ đầu tháng 3 này, chị cùng với những chị em có lòng hảo tâm khác tự góp công, góp của nấu cơm cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long vào ngày thứ bảy mỗi tuần. Những hộp cơm trắng tinh tươm, thơm dẻo mùi gạo mới, canh đu đủ thịt bằm, thịt kho khô và trái cây tráng miệng, ít ai nghĩ rằng đây là cơm từ thiện mà là chút tấm lòng của “lá lành đùm lá rách”.

Tay thoăn thoắt bới cơm, chị Duyên nói: “Bệnh nhân tâm thần đa số là người nghèo và họ ăn nhiều cơm, nên phải bới cho thật đầy hộp”.

Vậy đó, người có gạo nấu cơm, người có tiền mua thịt, người ít tiền nấu canh,… mà trở thành phần cơm ngon ngọt. Chị Duyên nói thêm: “Nhóm chúng tôi không tập trung lại mà thường ai làm nhà nấy rồi tôi và vài chị em nữa đi gom lại đem vào bệnh viện, để tiện cho chị em vẫn có thể lo tốt việc nhà”.

Ngoài xã hội, chị Duyên là người mạnh mẽ lạc quan nhưng ít ai biết được những biến cố mà chị đã trải qua trong cuộc đời mình: không có con, hôn nhân đổ vỡ, cha mẹ bị tai biến.

Chị nói về cái ngày chị để lại bức thư ở nhà chồng để về lại nhà mình: “Tôi biết mình phải ra đi để anh ấy tìm hạnh phúc mới. Gia đình phải có những đứa trẻ”. Chị tập trung vào công việc và gia đình lớn, khi cha chị bị tai biến nằm liệt giường, mẹ bị tiểu đường phải ngồi xe lăn.

Chị nói: “Cha tôi mất năm ngoái, sau mười mấy năm liệt giường” chị cười nói thêm “mẹ tuy ngồi xe lăn nhưng sức khỏe vẫn tốt. Mỗi sáng, tôi thức dậy lúc 5 giờ để massage, vệ sinh cho mẹ”.

Trong cuộc sống, không ai hoàn hảo và không ai có mọi điều tốt đẹp để tận hưởng. Nhưng tôi vẫn nhớ lời chị nói: Sóng gió cuộc đời có thể làm mình đau khổ nhưng hãy biết hạnh phúc với những gì mình có, biết phấn đấu, suy nghĩ vì mọi người và biết yêu thương mọi người.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy làm nghề buôn bán ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) nói: Tôi là bạn của Trúc Duyên. Trước đây, thấy Duyên đăng ký hiến xác, hiến tạng và hiến thận, tôi đã có suy nghĩ tới, đến nay thì quyết định đăng ký theo bạn. Đầu năm 2016, tôi, bạn tôi là Ngô Thị Dung và cô tôi là Nguyễn Thị Mười cùng gửi đơn đăng ký cho Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN