“Trèo cao”- nghề nguy hiểm

Cập nhật, 15:04, Thứ Bảy, 15/09/2012 (GMT+7)

Thường xuyên làm việc ở độ cao nhưng những thợ vườn làm nghề hái dừa, cưa cây thường không trang bị dụng cụ bảo hộ nào nên… nguy hiểm chực chờ!

Giữa trưa nắng như đổ lửa, anh Trần Thanh Tuấn ở Thạnh Quới (Long Hồ) vẫn vắt vẻo trên ngọn một cây bàng to hơn 20 năm tuổi. Mồ hôi túa ra ướt áo, vừa cầm máy cưa cồng kềnh anh vừa chậm chạp di chuyển để cưa hết cành này sang cành kia. Trước khi cưa, anh cẩn thận cột dây thừng vào nhánh để những người đứng dưới gốc kéo cho nhánh rơi đúng chỗ. 400 ngàn là tiền công đốn và cưa ra thành khúc nhỏ theo yêu cầu chủ nhà. Dì Bảy- người thuê cưa- cho biết: “Bữa nay là ngày thứ hai rồi mà cây mới… sắp xong”. Đôi mắt còn sưng húp vì hôm trước vừa trèo lên thì bị cả đàn ong túa ra “đánh” tới tấp, chưa hết bàng hoàng, anh Tuấn nói: “Đang ở trên đọt mà bị ong chích thì phải ráng chịu đặng tuột xuống đất. Tui theo nghề cũng khoảng 3 năm rồi, không sợ độ cao nhưng sợ nhất là gặp ong và kiến”.

Cưa cây là nghề nguy hiểm, cần trang bị dụng cụ bảo hộ.


Hơn 2 năm theo nghề, anh Bùi Hoàng Phương ở Chánh Hội (Mang Thít) cho biết, người thuê cưa thường ở trong xóm, bất kể nắng mưa, hễ “a lô” là anh có mặt. Tuy nhiên, anh cũng nói: “Cưa cây là nghề nguy hiểm, đôi khi phải leo thiệt cao (40– 50m) để cưa những cây lâu năm, gỗ cứng. Dụng cụ mang theo ngoài máy cưa thì chỉ có… sợi dây thừng (để kéo cây và cũng để hỗ trợ thợ cưa trèo lên tuột xuống – PV). Vì vậy, người cưa cây không chỉ gan dạ mà cần phải có kỹ thuật để cưa sao cho nhanh và cần biết cách xử lý cho nhánh cây rớt đúng chỗ- không gây ảnh hưởng đến nhà cửa, đường điện và vật dụng xung quanh”.

Nguy hiểm là vậy nhưng tiền công kiếm được của họ cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Anh Phương bộc bạch, mé nhánh thì vài chục ngàn, đốn cả cây thì vài chục đến vài trăm ngàn tùy theo độ khó, nói chung là “phải lấy giá thấp thấp chớ mắc quá thì đâu ai mướn, buồn nhất là nhiều chủ vườn không thông cảm, cứ kỳ kèo cho thiệt rẻ mới chịu thuê!” Anh Tuấn thì xởi lởi: “Lần trúng nhất của tui là cưa cả vườn xoài cổ 8 – 9 cây được hơn 1 triệu đồng chỉ trong 2 ngày, tất nhiên là leo liên tục và bị kiến cắn liên miên”. Hỏi anh lúc nào đắt nhất, anh cười: “Nhiều “sô” nhất là mùa mưa bão, còn lúc “hẻo” thì cả tháng trời hổng có “sô” nào”.

Biết leo dừa từ năm mười mấy tuổi, chú Nguyễn Văn Não (Chánh Hội- Mang Thít) có hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề. Chú cho biết: “Tiền công là 10.000 đ/cây bất kể dừa cao dừa thấp, đắt thì mỗi ngày hái được 20- 30 cây nhưng cũng có ngày “ở không” vì hổng ai kêu. Bởi vậy, dù là nghề chính nhưng không đủ nuôi cả nhà 4 miệng ăn”.

Theo quan sát của chúng tôi, dù thường làm việc ở độ cao nhưng những thợ vườn này thường không trang bị dụng cụ bảo hộ, thậm chí không đeo khẩu trang để tránh bụi (mạt cưa) bay vào mắt mũi. Anh Phương nói: “Đâu có dụng cụ gì, thỉnh thoảng có sợi dây thừng kéo nhánh thì tận dụng lúc tuột xuống trèo lên. Quan trọng là cẩn thận tư thế, ngồi vào các cháng cây, còn cây nào trơn khó như cây gòn, cây me thì phải bám thật chặt và tập trung.

Anh Tuấn cũng tâm sự: “Nói đâu xa, mấy tháng trước ông anh bà con đi cưa cây rồi bị tai nạn mất nè. Ớn quá, tui còn định bỏ nghề nhưng ráng thêm một thời gian để phụ giúp gia đình. Thấy mấy anh thợ điện khi trèo có cọng dây gì đó buộc ngang lưng tui cũng tính mua nhưng nghe nói mấy trăm ngàn nên… còn ngán!”

Thiết nghĩ, đã có không ít những vụ tai nạn lao động xảy ra do người lao động bất cẩn hoặc thiếu dụng cụ bảo hộ, vì thế, bên cạnh tính cẩn thận, người thợ vườn cần trang bị dụng cụ bảo hộ như: khẩu trang, mắt kính (hay mặt nạ), dây an toàn… để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho chính mình.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN – THẢO LY