Người nghèo có thể an cư trong nhà diện 167

Cập nhật, 06:47, Thứ Sáu, 14/09/2012 (GMT+7)

Từ năm 2008, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã làm thay đổi cuộc sống của họ. Mỗi căn nhà được khởi công và bàn giao là có ngần ấy hộ nghèo có chung niềm vui khi những căn nhà tạm bợ của họ đã được thay thế bằng căn nhà vững chắc hơn trước gió mưa.


Tính đến tháng 6/2012, Chương trình Chuyến xe nhân ái của Đài PT-TH Vĩnh Long đã hỗ trợ trên 580 căn nhà 167 và 210 con bò giống với tổng giá trị trên 9,5 tỷ đồng.

Ấm áp trong căn nhà mơ ước

Căn nhà mới của cô Trịnh Thị Na (ấp Bờ Dầu, xã Chánh Hội- Mang Thít) trống trơn không có đồ đạc gì giá trị nhưng theo cô Na, tài sản lớn nhất của cô chú là nuôi được 2 con gái ăn học đàng hoàng. Trước đây, “mái ấm” của vợ chồng cô chỉ vỏn vẹn có 2 cột chính, 2 cây gòn rồi đệm thêm cột tre mái lá. Sau đó, xã hỗ trợ tôn lợp đủ mái nhà. Ở xứ gạch ngói nên cô tìm mua những viên gạch tàu nứt, dạt với giá thật rẻ để lót nền nhà. Còn chú sau mấy năm lênh đênh trên ghe mua trái cây bán bị lỗ, nên tìm công việc trông coi trại cá tận Đồng Tháp. Còn cô, hết đi phụ hồ, bưng gạch mướn, làm gốm ở các lò gạch rồi chuyển sang thuê 4 công ruộng làm lúa. Dù lao động cực nhọc quanh năm nhưng cô chú vẫn ráng lo cho 2 con gái đi học mà “tạm gác” việc cất lại nhà. “Bữa xã mời họp, nói nhà tui được tiền cất nhà, hai vợ chồng tui mừng dữ lắm. Con cái lớn hết rồi, có nhà cửa lành lặn cũng yên tâm hơn”- cô Na tâm sự. Em Thảo Ly (con gái lớn của cô) tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, em tìm được việc làm đúng chuyên ngành tại TP Vĩnh Long. Em sẽ cố gắng làm tốt để phụ hợ ba mẹ lo cho em gái đang học cao đẳng năm cuối, để ba mẹ đỡ vất vả hơn”.

Khi chúng tôi đến thì nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Mến (ấp Tích Khánh, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) vẫn còn ngổn ngang giàn giáo trước sân. Chị cười giải thích: “Nhà cất mấy tháng mà chưa xong phần mặt tiền nữa đó. Ông xã mần hồ nên ảnh tự cất luôn, bữa thì làm cho người ta, bữa không ai kêu thì tranh thủ làm nhà cho mình. Được Nhà nước hỗ trợ tiền cất nhà là vợ chồng tui mừng dữ lắm.” Lấy chồng, chị được cha cho cái nền nhà, rồi vợ chồng chị cất nhà lá. Căn nhà nắng xiên mưa dột khắp nơi phải lấy bạt cao su che chắn đỡ bởi công việc phụ hồ của anh bấp bênh, ngày nào có việc thì được 100 ngàn tiền công. Còn chị thì lãnh hột điều, hộp quẹt về gia công. Tháng nào có hàng nhiều thì kiếm được 500 ngàn nên việc cất lại căn nhà đàng hoàng để con gái Lê Thị Mỹ Duyên (lớp 4) học không còn thấp thỏm bị mưa ướt nữa là ước mơ thường trực của vợ chồng chị. “Vậy mà ước mơ đó thành hiện thực. Chị bà con cho bộ ghế sa lông, bàn học cũ, để trong nhà thấy cũng xôm. Bé Duyên siêng học, năm nào cũng có giấy khen, vợ chồng tui mừng lắm. Được như vậy là quý lắm rồi, giờ phải lo mần để lo tương lai cho con”- chị Mến xúc động.

Có được nhà mới, bà Thạch Thị Hồng (xã Trà Côn- Trà Ôn) phấn khởi: “Nhà nghèo, mần mướn suốt nhưng tui dành dụm mãi mà không đủ tiền cất nhà. Khi Nhà nước cho được cái nhà thì mừng lắm, đi mần yên tâm hơn. Không chỉ có thế, tui còn được vay vốn chăn nuôi bò, heo. Giờ tui có 2 con bò và vài con heo nên cuộc sống đỡ hơn trước rồi”.

Hiệu quả từ những cách làm linh hoạt

Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tháng 7/2009, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 5.117 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Đến năm 2011, tỉnh tiếp tục bổ sung 986 hộ, nâng tổng số toàn tỉnh có trên 6.080 hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở.

Song, việc triển khai thực hiện chủ trương này còn một số khó khăn như nguồn kinh phí rót chậm, một số hộ dân chưa có đất cất nhà và ảnh hưởng bởi tập quán chọn năm cất nhà. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, BCĐ của tỉnh đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp như tạm ứng nguồn ngân sách, cho địa phương bảo lãnh tạm ứng vật tư và vận động thân nhân gia đình, tổ chức hỗ trợ đất ở nên cuối năm 2011 tỉnh đã thực hiện đạt 99,67% kế hoạch.


Được hỗ trợ nhà 167, chị Ngọc Mến (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) yên tâm làm ăn lo cho con ăn học.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2009- 2012, các đại biểu đều thống nhất đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh tạo động lực và niềm tin cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, chương trình còn khơi dậy tình tương thân, tương ái trong cộng đồng xã hội. Ông Trần Quốc Điện- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn cho biết: Huyện có nhiều vận dụng sáng tạo, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho địa phương, từng trường hợp cụ thể, đồng thời thuyết phục người thân, con cháu trong gia đình cùng đóng góp nguyên vật liệu, cũng như tiền mặt để người nghèo được an cư lạc nghiệp trong căn nhà mới. Nhờ vậy, sau 3 năm huyện có trên 2.100 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở đạt 139% kế hoạch (1.534 căn).

Để tiếp tục giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, năm 2012, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà cho 307 hộ nghèo ở 3 huyện Long Hồ, Mang Thít và Trà Ôn, với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh- Trưởng BCĐ chương trình giảm nghèo tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo, cần tích cực tuyên truyền, khơi dậy lòng tương thân, tương trợ trong cộng đồng; tuyên truyền sự vượt khó vươn lên của người nghèo. BCĐ giảm nghèo các cấp phối hợp với địa phương phát huy tốt hơn những mặt làm được; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện để hoàn thành tốt đề án.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình nhà ở 167 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định chương trình này phù hợp với yêu cầu và mong muốn của người dân nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thủ tướng đề nghị các tỉnh đưa chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về chương trình phát triển nhà ở trong mục tiêu kế hoạch hàng năm. Trong 3 năm tới, việc thực hiện chiến lược nhà ở phải hết sức lưu ý tiếp tục chăm lo nhà ở cho người có công, chú trọng tới những nhà xây dựng trước đây nhưng đã hư hỏng, xuống cấp.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN