“Lời ru buồn...”!

Cập nhật, 11:03, Thứ Ba, 18/09/2012 (GMT+7)


Chị Muôn tâm sự: “Vợ chồng làm tích cóp được cái nhà riêng, nhưng chồng nghe lời mẹ phụ rẫy tui”.

“Nhức đầu quá, tui than với chồng, ai dè ảnh còn đánh, đập đầu tui vô tường nữa. Không chỉ ảnh đánh mà cha chồng, mẹ chồng, chị chồng đều đánh hết”- những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt đau buồn của chị Huỳnh Kim Muôn 29 tuổi (ấp An Thạnh, xã Tân An Thạnh- Bình Tân) khi tâm sự về những năm tháng tủi khổ làm dâu xứ Đài.

Gia đình khó khăn, nên chưa học hết lớp 6, chị Muôn nghỉ học để đi làm mướn kiếm tiền phụ mẹ lo cho cha đang bệnh nặng. Năm 2000, chị theo người quen lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Rồi có người mai mối, chị Muôn “nhắm mắt ưng đại” người chồng Đài Loan lớn hơn cô 12 tuổi. “Tướng ảnh đi bị khòm lưng nhưng nghe mọi người nói qua đó sướng lắm, làm có tiền đô gởi về gia đình nên tui ưng ảnh và tổ chức đám cưới sau 1 tuần tìm hiểu. Lúc đó, ảnh cho ba má tui được 60 triệu”- chị Muôn cho biết.

Khi đặt chân về quê chồng, chị bắt đầu thấp thỏm lo sợ khi không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao bởi chị chỉ biết bập bẹ một vài câu tiếng Đài. Chị cho biết: “Mọi giao tiếp tui đều ra dấu bằng tay hết, mọi người cứ xí xô xí xào, còn tui nghe nhưng không hiểu. Nhưng tui cũng cố gắng ráng học được ít tiếng của họ để đi làm”. Chị xin được việc lựa rau cải với lương tháng trên 20 ngàn Đài tệ (12 triệu đồng- PV). 2 tháng đầu, mẹ chồng cho chị ít tiền gởi về gia đình rồi sau đó lương tháng của chị bị mẹ chồng giữ hết. Còn giấy tờ tùy thân, hộ chiếu của chị thì chị chồng giữ. Chị lần lượt sinh 2 đứa con gái, hiện đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. “Tui mạnh khỏe làm được thì bị đánh ít, chứ tui bệnh thì bị đánh nhiều lắm. Có những trận đòn, tui bị đánh đến xỉu luôn. Tui làm suốt ngày nhưng mẹ chồng không thương. Tui ăn cơm thì bà lại hất chén cơm rồi đánh. Sống trong gia đình chồng, mà lúc nào tui cũng hoảng sợ. Riết rồi tui bị bệnh, nhức đầu la hét và bị đánh dữ hơn”- chị tâm sự mà nước mắt giọt vắn giọt dài lăn trên má.

Nghe con gái kể, bà Trần Thị Mới bức xúc: “Thiệt con người với nhau mà sao họ đối xử với con gái tui tệ quá. Nghe con điện về kể, ruột gan tui thắt lại. Con mình khổ, mà mình làm mẹ không biết phải làm sao để cứu nó”. Đầu năm 2012, gia đình chồng cho chị Muôn trở về Việt Nam bởi thẻ Visa chị hết hạn. “Tui về nước, gia đình không cho một đồng, tiền tui lén dành dụm chỉ mua đủ vé máy bay và còn khoảng 1 ngàn Đài. Mẹ chồng còn nói, tui có chết thì chết ngoài đường đừng chết trong nhà bà”- chị Muôn ấm ức kể. “Thấy nó ở sân bay mà lòng tui xót xa, người nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đầu than nhức. Về đây, tui đưa con đi khám Bệnh viện Tâm thần ở Cần Thơ, bác sĩ nói nó bị loạn thần cấp do bị khủng hoảng tâm lý”- bà Mới cho biết. Rồi bà kể: “Trước nó nói lấy chồng Đài Loan lo cho ba bệnh, tui cũng thấy lo nhưng thấy con gái người ta lấy chồng ngoại được sung sướng, giàu có nên tui chịu cho nó lấy. Giờ đây con tui trở về với bệnh tật thế này cũng còn đỡ, chứ lỡ… nó có gì bên bển, tui ân hận suốt đời”.

Khi hỏi về 2 con gái, mắt chị ngấn ngấn nước: “Tui chỉ gọi điện hỏi thăm con thôi. Tui nhớ tụi nó lắm nhưng gia đình không cho tui đem về. Mà có về tui cũng không có tiền để lo cho con, bên đó họ thương con thương cháu họ lắm, nên con tui sẽ được chăm sóc tốt. Rồi nó sẽ quên mẹ nó thôi”.

Căn nhà lợp tôn nhỏ của chị Muôn nằm sâu trong con đường đất nhỏ. Mộ của ba chị Muôn nằm lặng lẽ trước nhà. Mấy tháng về quê nhà, được gia đình đưa đi điều trị nên căn bệnh của chị cũng đỡ được phần nào. Chị xin đi học làm tóc, massage mặt tại một tiệm uốn tóc trong xã nhưng học chưa được bao lâu thì nghỉ, bởi “tui gội đầu, bấm huyệt lộn cho khách, bị mắng vốn, bà thầy kêu tui nghỉ. Ở nhà ở không hoài, không có tiền cũng buồn nên tui nộp đơn xin làm công nhân ở bên sông. Hy vọng người ta sẽ nhận”- chị Muôn cười lạc quan.

Từ năm 2005 đến nay, Vĩnh Long có trên 5.000 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, 3.563 trường hợp đăng ký kết hôn, 1.500 trường hợp ghi chú kết hôn. Trong đó, tỷ lệ kết hôn với người Đài Loan chiếm hơn 51%; việc đăng ký khai sinh, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và đăng ký cho 461 trường hợp, đa số là trẻ em sinh ra ở Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam. Từ năm 2005- 2010, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý và giải quyết cho hơn 300 trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài ly hôn.


Bài, ảnh: MAI ANH