Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Cập nhật, 13:27, Thứ Sáu, 21/09/2012 (GMT+7)

Sau 26 năm phục vụ quân đội, vừa là thương binh 2/4 vừa là nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, anh Lê Thái Học (xã Trường An- TP Vĩnh Long) đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục lao động sản xuất.

Năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi, anh Lê Thái Học (xã Hà Thái, Hà Trung, Thanh Hóa) tình nguyện nhập ngũ. Trong một trận chống càn tại chiến trường C, anh bị thương nặng ở chân phải. Vượt qua nỗi đau, anh tiếp tục công tác tại đơn vị xây dựng K2 (Lào). Đây cũng là nền tảng để anh có kiến thức làm kinh tế sau này…

Thương binh Lê Thái Học đã phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới.


Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, vết thương vẫn còn nhức nhối từng ngày… Nhưng, kỷ niệm anh chiến sĩ Binh đoàn 559 trên đường kéo pháo và gặp người nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Ngoãn… rồi đám cưới đơn sơ nhưng ấm cúng, sẽ mãi không phai mờ trong ký ức người lính…

Khi những đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng gia đình lại oằn vai đôi vợ chồng. Nhưng khổ nhất là thấy cô con gái lớn với gương mặt ngây dại, mọi hành động, cử chỉ chẳng khác gì đứa trẻ lên 3 (dù nay đã 40 tuổi) thỉnh thoảng lại lên cơn la hét, co giật chân tay...

Năm 1986, sức khỏe giảm sút, anh chuyển vào Nam sinh sống, công tác tại Sở Lương thực tỉnh Cửu Long. Đến khi nghỉ hưu, anh từng nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB xã Trường An (TP Vĩnh Long).

Sau nhiều đêm trăn trở với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và xóa nghèo cho đồng đội, anh đã quyết định mở Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Thiên Hương. Bước đầu làm chủ doanh nghiệp, anh vừa thuê kỹ sư vừa học hỏi từ nhân công của mình. Đó là một quyết định táo bạo và liều lĩnh, nhưng qua thời gian anh đã dần thành thạo hơn.

Bằng uy tín, khả năng làm việc, đàm phán tốt, anh đã liên hệ với các nguồn hỗ trợ từ Thụy Sĩ, Na Uy và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng 850 căn nhà tình thương và 6 trường học trị giá trên 9,5 tỷ đồng. Hầu hết các công trình đều đảm bảo chất lượng tốt, đúng tiến độ và tạo được vẻ mỹ quan nên chủ đầu tư cũng như người thụ hưởng công trình đều phấn khởi.

Điều làm anh hài lòng nhất là đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong đó có 6 CCB (khi làm công trình có từ 40- 50 lao động) với thu nhập 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh, với hơn 1,5 công đất, anh đã phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC đem đến thêm nguồn thu cho
gia đình.

Theo ông Ngô Hồng Hà- Chủ tịch Hội CCB xã Trường An: CCB Lê Thái Học là một trong những cán bộ, hội viên tích cực trong công tác “diệt giặc đói” tại địa phương bằng cách tạo việc làm, cho vay không tính lãi, thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, cho mượn con giống và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, đã giúp cho 4 hội viên vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh, anh cũng nhiệt tình tham gia công tác tuyên truyền vận động hội viên, người dân địa phương quyên góp hỗ trợ những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh, xây cất nhà đại đoàn kết cho hội viên nghèo… Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư an toàn và động viên con cháu viết đơn tình nguyện nhập ngũ.”

Hôm chúng tôi đến thăm, anh đang sửa lại căn nhà. Anh phấn khởi: “Con trai tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về. Nay tôi sửa nhà để làm đám cưới cho nó và chuẩn bị xây chỗ mua bán nhỏ cho con dâu”. Anh còn khoe, tui cùng với người bạn đã hoàn tất các thủ tục và thành lập mới Công ty TNHH MTV Xây dựng Hùng Mạnh, công việc sắp tới chắc sẽ bề bộn, nhưng tui rất vui vì vẫn còn làm việc và cống hiến được.

Sống hết mình, làm hết mình là ấn tượng đẹp mà người lính Lê Thái Học đã để lại trong chúng tôi. Anh đã góp phần tô thắm thêm tiêu chí của người thương binh, CCB Việt Nam: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu và đổi mới”.

Anh Lê Thái Học được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Quốc tế hạng nhất và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang (Lào)… Gần đây nhất là anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau vượt khó thoát nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ III 2007- 2011”.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI