Chuyện những con hẻm, đường nhỏ

Cập nhật, 07:03, Thứ Tư, 19/09/2012 (GMT+7)


Sau cơn mưa, “bì bõm” thế này vẫn là… chuyện nhỏ, nhiều hẻm còn ngập nặng hơn.

Không chỉ lòng đường, vỉa hè các tuyến đường lớn của TP Vĩnh Long mới thường xuyên bị ngập nước hay bị chiếm dụng làm nơi mua bán mà những tuyến đường nhỏ và hẻm cũng rơi vào tình trạng tương tự- gây ảnh hưởng đáng kể đến an toàn giao thông.

Không ít người phiền lòng khi đang lưu thông trong một con hẻm nào đó thì đột ngột bị “chặn” vì “nhà nọ đang thi công nên đổ cát đá lấp hết đường đi” hoặc “nhà kia đang có đám nên che nhà khách, kê bàn ghế choán hết chiều ngang con hẻm”. Cô Nguyễn Thị Sang– nhà ở Hẻm 130, đường Nguyễn Huệ (Phường 2) nói: Có lần đang chạy lại nhà người quen trong một con hẻm thì gặp đám cưới che nhà khách bít đường, phải quay lại vòng qua đường khác, thiệt là phiền. Đồng ý là ở đô thị đất chật nên người ta mới tận dụng đường đi nhưng cần có bảng thông báo trước để xe cộ lưu thông biết đường “né”, đỡ tốn thời gian và công sức!

Không chỉ bị lấn chiếm tạm thời, chuyện ở trong hẻm có hộ mang băng đá bày hẳn ra đường hóng mát; người bán tạp hóa để mấy buồng dừa tươi lấn ra hẻm cho… đỡ chật nhà không còn là chuyện lạ. Đáng nói là các đầu hẻm cũng thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi mua bán. Vì vậy, hẻm nhỏ càng nhỏ thêm. Nhớ lại một lần chạy xe đạp đi mua thuốc uống bị xe máy “tông chúi nhũi”, cô Sang bức xúc: Cái hẻm bị “lấn” buôn bán suốt ngày đêm mà. Sáng thì bán hủ tiếu, cơm tấm; chiều thì cháo trắng, ốc đắng kiêm luôn “quán nhậu vỉa hè”. Lúc nào bàn ghế và vật dụng cũng choán hơn nửa con đường, khuất luôn tầm nhìn, an toàn sao được?

Ngoài bị lấn chiếm, tình trạng ngập nước khi trời mưa cũng là nỗi lo thường trực của những hộ dân có nhà trong hẻm. Chỉ tay vào một “bờ đê” chắn ngang đường Lê Thái Tổ và đường Lê Thị Hồng Gấm, một chị bán nước giải khát (đề nghị không nêu tên) nói: Không biết cơ quan chức năng khi làm cái “gờ” này có tác dụng gì. Trước đây mưa lớn thì đường Lê Thị Hồng Gấm cũng ngập nhưng nhanh chóng nước rút, giờ thì thành chỗ chứa nước 2 bên “gờ”. Cạnh đó, một chị bán hàng ăn uống cũng phàn nàn: Tự nhiên trước đường lại có một cái bậc cao như “mặt đập” vậy, trước có 2 ống nhỏ thoát nước ra vô nhưng giờ bị bít lại rồi nên nhiều khi đường đã khô mà nước lình phình 2 bên mặt đập. Không chỉ vậy, cái “gờ” này cũng gây bất tiện. “Xe cộ ra vô bị té hoài đó, nhất là những người lạ đường”– chị cho biết.

Nói về việc hẻm bị ngập nước, lấn chiếm, chị Nguyễn Thị T.T.- có nhà ở đường Lê Thị Hồng Gấm (Phường 2) tỏ vẻ không vui: Đầu đường có cái bệ xe cộ khó qua lại, đã vậy con đường vào mùa mưa lũ nước ngập sâu rất khó đi!

Ông Nguyễn Văn Sơn– Phó Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: Phường có 4 tuyến đường lớn (Nguyễn Huệ, Lê Thái Tổ, Lưu Văn Liệt, Phạm Hùng) với khoảng mười mấy đường nhỏ và hẻm, hàng năm đều bị ngập. Năm rồi, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long cho làm một số bệ chắn ngang trước đường Lê Thị Hồng Gấm và các hẻm dọc đường Lưu Văn Liệt. Nhưng từ khi có bệ, “lộ thì bớt ngập nhưng đường nhỏ và hẻm thì ngập nặng hơn do hầu hết các hẻm đều thoát nước kiểu “hộ gia đình” (tự thoát) nên khi mưa lũ kết hợp triều cường thì bị ứ đọng. Bên cạnh, những cái bệ cũng gây khó khăn cho xe ra vô hẻm, “người dân đã phản ánh nhiều, vừa qua phường cũng đã đề nghị nếu không còn khả thi thì tháo dỡ cho dân đi dễ dàng”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bệ.


Những “mái dốc” chống ngập trở thành gờ “giảm tốc nhưng tăng xóc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long cho biết: Hiện đô thị ngập do 2 yếu tố: lũ lên và mưa xuống. Nhiệm vụ của công ty là vận hành hệ thống cống thoát nước thông suốt (có thể chống ngập đô thị, nếu được). Năm rồi, nước từ sông tràn vô hẻm, tràn ra đường Lê Thái Tổ, Nguyễn Huệ,… nên công ty cho xây “mái dốc” cao bằng vỉa hè trước các hẻm để ngăn nước tràn ra lộ. “Muốn tháo dỡ, Phường 2 có thể đề nghị Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Mái dốc để chống ngập cho đường chính mùa mưa lũ nên hết lũ lại thấy bất hợp lý nhưng… nếu mưa lũ ngập nữa thì sao? Trong khi ngập nước ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ con đường”.

Theo ông Lưu Quang Trường, để chống ngập cho hẻm thì địa phương cần xây dựng hệ thống đê bao chắc chắn. Mặt khác, cần quản lý chặt hệ thống tiêu thoát nước, không nên để kinh rạch tự phát, san lấp lấn chiếm tràn lan (tự che chắn đường thoát của mình)…

Nhưng theo nhiều bà con ở khu vực trên thì “mặt đập” ở một số đầu hẻm trong mùa nước lũ vừa qua cũng chẳng có tác dụng gì. Vì khi nước dâng hoặc mưa lớn thì nước bên trong và bên ngoài cũng… bằng nhau. Có khi “mặt đập” lại cản trở nước rút. Do đó có người cho rằng cơ quan chức năng xây “mặt đập” đầu hẻm chắc là để… hạn chế tốc độ xe đi vào hẻm (?).

Thường xuyên có việc lưu thông qua khóm Nguyễn Thái Học (Phường 1), chị T.T. nói: Hễ mưa lớn thì đầu đường bị ngập, lại có một vết nứt lớn nguy hiểm cho xe qua lại. Trong khi cạnh đó, Hẻm 4– một con hẻm nhỏ xíu càng nhếch nhác hơn vì nước và rác rến trông rất nhếch nhác, một hộ đầu hẻm còn đặt hẳn ra ngoài bếp than đỏ rực. Thấy mấy đứa nhỏ đi học về ngang hoặc chạy giỡn quanh đó mà… đâm lo. Vì vậy theo chị, thành phố đang xây dựng nếp sống văn minh đô thị nên các hẻm nhỏ cũng cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, chống chiếm dụng… đảm bảo an toàn cho người, xe qua lại.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN