Độc đáo nghề "chữa lành" cho sách

Cập nhật, 19:00, Thứ Sáu, 19/04/2024 (GMT+7)

(VLO) Cùng với sự phát triển của sách cách đây hàng trăm năm, nghề sửa sách cũng xuất hiện, bởi có những cuốn sách có giá trị, được sử dụng lâu ngày trở nên hỏng, xuống cấp, trong khi việc tái bản thì hạn chế. Mặt khác, nhiều gia đình khá giả, được tiếp thu văn hóa phong phú nên xem trọng việc đọc và sưu tầm, họ mua những cuốn sách quý, và gia công chúng làm tài sản.

“Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc miệt mài “chữa bệnh” cho những cuốn sách cổ.
“Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc miệt mài “chữa bệnh” cho những cuốn sách cổ.

“Bác sĩ sách”

Ở vùng đất được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông- TP Hồ Chí Minh, có những người làm nên tên tuổi với nghề đóng sách, sửa sách như bà Hai Công Lý, ông Văn Thơ hay ông Nguyễn Văn Châu (Paul Châu) đã đưa nghề phát triển lên vị trí cao vào những năm 1950-1960.

Trải qua bao thăng trầm, đến những năm đầu thế kỷ 21, nhiều người sưu tầm sách xưa và có nhu cầu đóng sách thời trước, nghề đóng sách, sửa sách bắt đầu xuất hiện trở lại.

Hán Nôm Đường là một trong những địa chỉ hiếm hoi được thành lập bởi anh Bùi Tiến Phúc, tại phường Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Thành lập từ năm 2019, Hán Nôm Đường chuyên tu bổ, sửa chữa các loại sách cổ, sách xưa, văn bản cổ như sắc phong hay bồi biểu các tác phẩm thư pháp....

Đến với nghề một cách nghiêm túc, anh Bùi Tiến Phúc đã bỏ nhiều thời gian, tâm sức để học cả trong lẫn ngoài nước. Chính vì nghiêm túc với nghề nên anh được giới sưu tầm sách cổ, sách xưa gọi là “bác sĩ sách”.

Bộ dụng cụ làm bìa da đơn giản kết hợp cùng đôi tay khéo léo của những nghệ nhân đã khoác cho sách “chiếc áo” mới đầy tinh tế, trang trọng.
Bộ dụng cụ làm bìa da đơn giản kết hợp cùng đôi tay khéo léo của những nghệ nhân đã khoác cho sách “chiếc áo” mới đầy tinh tế, trang trọng.

Anh Bùi Tiến Phúc bộc bạch: “Nghề này là nghề khó, rất là khó, đòi hỏi phải có sự học hành rất là nghiêm túc và thời gian học cũng lâu hơn so với những ngành khác. Về cơ bản có 2 phương pháp, chữa trị vật lý và chữa trị hóa học.

Chữa trị vật lý thì đơn giản, là rách chỗ nào mình vá chỗ nấy, hay bồi nền, tu bổ cục bộ. Chữa trị hóa học thì khó hơn. Vấn đề với sách ở nước ta là những trang sách bị axit, thì bước quan trọng là mình phải khử axit cho giấy, rồi sau đó mới tiến hành tu bổ”.

Để trở thành “bác sĩ sách” yêu cầu đầu tiên là phải có niềm đam mê với sách, với văn hóa sách cũng như các thư tịch cổ. Bên cạnh đó, người làm nghề còn phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử.

Cuốn sách anh Phúc đang tu bổ là thể loại sách Khoa Nghi, được viết tay bằng chữ Nôm, vào khoảng giữa thế kỷ 19. Tên sách là Trường Mạnh Bách Tỏa Khoa.

Theo anh Phúc, loại sách này thường có ở các nhà mà đời trước làm đạo sĩ, còn giữ lại, con cháu mang đến nhờ mình sửa lại để còn lưu đến đời sau. Sách cũ là hiện vật, có bề dày lịch sử, có giá trị lịch sử trong đó. Từ gia đình rồi đến là hiện vật quốc gia luôn.

Sách cũ trong giai đoạn nào đó, ví dụ như sách cổ Hán Nôm ở Việt Nam được xuất bản bởi các triều đại phong kiến. Nội dung trong các sách đó đề cập đến rất nhiều vấn đề như chính trị, lịch sử, văn hóa và nhiều lĩnh vực.

Để cho cuốn sách có tuổi thọ lâu hơn sau khi tu bổ, anh không dùng đinh kim loại cố định gáy, mà dùng loại đinh đặc biệt làm bằng giấy dướng, có tuổi thọ rất lâu.

Tu bổ sách cũ đã khó mà tu bổ sách cổ lại càng khó hơn và qua rất nhiều công đoạn: trước khi tu bổ cuốn sách cổ cần thẩm định độ hư hỏng của sách, tháo chỉ, bồi lại những trang hư, sau đó khâu lại sách. Đặc biệt phải viết lại hồ sơ tu bổ, để người sau có thể dựa vào hồ sơ tu bổ đó mà xử lý tiếp trong trường hợp sách xuống cấp theo thời gian.

Bên cạnh việc sửa lại ruột sách, thiết kế hoa văn làm bìa cũng là cả một nghệ thuật. Với anh Phúc, việc chọn con đường tu bổ sách, tư liệu cổ tuy khó, nhưng lý thú bởi có cả một không gian nghệ thuật rộng lớn để thỏa đam mê.

“Khoác áo mới” cho sách

Theo giới sưu tầm sách thì "một cuốn sách vừa ra khỏi nhà in không bao giờ có bìa quý: chín phần mười trước khi được bày vào tủ của một người chơi sách khó tính, sách phải qua tay người đóng bìa lại".

Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan đang cầm trên tay là cuốn Nguyễn Hiến Lê cuộc đời và tác phẩm được một khách hàng yêu cầu làm bìa da.
Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan đang cầm trên tay là cuốn Nguyễn Hiến Lê cuộc đời và tác phẩm được một khách hàng yêu cầu làm bìa da.

Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan, được giới chơi sách biết đến là một trong những người giỏi nghề làm bìa cho sách. Nguyễn Vũ Anh Hoan gắn bó với nghề làm bìa da cho sách từ năm 2014.

Với những cuốn sách chất lượng tốt về nội dung, được giới sưu tầm yêu cầu, anh sẽ tiến hành thiết kế rồi khắc lên da để làm bìa mới cho sách. Chạm khắc trên da là việc làm khó, nó đòi hỏi ngoài yếu tố kỹ thuật, người làm nghề phải cho ra sản phẩm có tính mỹ thuật cao.

Phải hiểu giá trị của những cuốn sách để chọn chủ đề chạm khắc phù hợp. Để làm bìa cho một cuốn sách tầm trung bình, thời gian cũng phải 10 ngày, có cuốn yêu cầu cao hơn, thời gian có khi cả tháng.

Đầu tiên là chọn loại da phù hợp, sau đó tới công đoạn lên ý tưởng, phát thảo ban đầu rồi mới tiến hành chạm khắc, nhuộm màu.

Công đoạn cuối cùng là bọc da đã chạm vào sách, gia công thành cuốn sách hoàn chỉnh. Khi đến với người sưu tầm, cuốn sách không đơn thuần là sản phẩm dùng để đọc, mà nó là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Anh Nguyễn Vũ Anh Hoan vui vẻ chia sẻ: “Hiện khách hàng của em khá đông. Em nghĩ em là người yêu thích sách, nên ban đầu mình đến với nghề là do em đam mê, nên sau này ví dụ như mình không có khách hàng nữa thì mình vẫn làm cho tủ sách của gia đình mình”.

Nghề nào cũng vậy, để giữ được lửa nghề phải có tình yêu sâu sắc với nghề. Mỗi sản phẩm Anh Hoan làm ra, không đơn thuần chỉ là gia công, mà là vẽ cho sách một sức sống mới, cuốn sách sẽ đi cùng nhà sưu tầm và được trân quý hơn trong tủ sách những gia đình.

Vẽ thời gian cho sách cũng là cách để những bạn trẻ như Tiến Phúc, như Anh Hoan giữ lại một nghề mà tuổi đời đã ngót trăm năm. Bên cạnh đó, các anh còn nâng nghề lên thành một nghệ thuật đúng nghĩa, đi cùng với thú chơi tao nhã mà học giả Vương Hồng Sển từng gọi là Thú chơi sách.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC

Các tin khác: