Các lễ hội mùa xuân nổi bật từ Bắc vào Nam

Cập nhật, 20:58, Thứ Tư, 25/01/2023 (GMT+7)

Đầu năm đi lễ hội là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, đi để tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè, kết hợp cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Tết Âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất Việt Nam, thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương mỗi dịp đầu năm mới.

Ngoài việc là điểm đến cầu mong những điều may mắn trong năm mới, lễ hội Chùa Hương còn là dịp để nhiều người đến vui chơi, nghỉ ngơi, đắm mình trong không gian núi rừng thiên nhiên mênh mông, lấy năng lượng để bắt đầu một năm mới nhiều thành công.

Đến hội Chùa Hương, du khách sẽ tham quan các điểm: bến Đục, suối Yến, đền Trình, núi Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Hương tích, suối Giải Oan, đền Cửa Vòng…

 Trẩy hội chùa Hương trọn vẹn thường mất thời gian một ngày. Ảnh: Bộ VHTTDL Việt Nam
Trẩy hội chùa Hương trọn vẹn thường mất thời gian một ngày. Ảnh: Bộ VHTTDL Việt Nam

Hội Khai ấn đền Trần

Lễ hội Khai ấn đền Trần là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam, diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại Khu di tích đền Trần thuộc phường Lộc Vương, Nam Định, thu hút du khách thập phương đến tham gia với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt.

Hội bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý, phát ấn tại 3 nhà: nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần. Sau đó, hội còn nhiều nghi thức quan trọng như rước nước, tế cá, nhiều hoạt động truyền thống như hát chèo, mùa rồng, hát chầu văn, đấu vật… hấp dẫn, thú vị.

 Nhiều người xin lá ấn đền Trần để tài lộc sung túc, phát đạt cho cả năm. Ảnh: Đinh Thành Trung
Nhiều người xin lá ấn đền Trần để tài lộc sung túc, phát đạt cho cả năm. Ảnh: Đinh Thành Trung

Lễ hội Yên Tử

Hội Yên Tử là lễ hội diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, kéo dài đến hết mùa xuân hàng năm. Du khách, Phật tử đến Yên Tử để hành hương làm lễ cầu bình an, sung túc, kết hợp du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân, cảm nhận sự thanh tịnh, nhẹ nhàng, bình an trong tâm hồn.

Du khách có thể được tham gia, theo dõi nhiều hoạt động như Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… trong lễ hội Yên Tử.

 Lễ hội Yên Tử được tổ chức nhằm tôn vinh công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Tổng cục Du lịch
Lễ hội Yên Tử được tổ chức nhằm tôn vinh công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Lễ hội Đền vua Mai

Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức trong 3 ngày, từ 13 đến 16 tháng Giêng Âm lịch tại Khu mộ vua xóm Hà Long, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Đây là lễ hội văn hoá truyền thống nhằm tưởng nhớ vua Mai Thúc Loan, là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động vui chơi đầu năm ở tỉnh Nghệ An.

Lễ hội được tổ chức long trọng, quy mô lớn, khá cầu kỳ với nhiều nghi thức như lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ yết cáo… Ngoài ra còn có nhiều tiết mục hấp dẫn như hát văn, hát đối, đấu vật, đánh đu, leo cột mỡ, đi cà kheo, đánh cờ, và độc đáo nhất là hội đua thuyền

Nhiều hoạt động độc đáo tại lễ hội. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An
Nhiều hoạt động độc đáo tại lễ hội. Ảnh: Ban quản lý di tích Nghệ An

Hội vật làng Sình

Đến Huế đầu năm mới sẽ không thể bỏ qua hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế là hội vật làng Sình, diễn ra từ ngày 9 đến 10 tháng Giêng Âm lịch.

Ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mong cho ngôi làng yên ổn, người dân khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt, lễ hội còn là dịp để tổ chức hoạt động vui Xuân cho người dân, khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Hội được tổ chức đầy đủ các lễ nghi truyền thống, cùng với đó là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, các môn thể thao dân gian truyền thống như thi kéo co, chọi gà, chọi trâu, thả diều, đá cầu, cờ người, vật...

Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Ảnh: Bộ VHTTDL Việt Nam
Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Ảnh: Bộ VHTTDL Việt Nam

 

Lễ hội núi Bà Đen

Lễ hội đền Bà Đen ở Tây Ninh diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng Âm lịch, nhưng thường bắt đầu từ chiều 30 Tết cho đến hết tháng Giêng Âm lịch, du khách thập phương đã đổ về đây lễ bái. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất ở khu vực phía nam, đón hàng triệu du khách đổ về mỗi dịp đầu Xuân.

Du khách đến lễ hội núi Bà Đen có thể tới dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình, kết hợp ngắm phong cảnh hùng vĩ, tận hưởng không khí trong lành của tiết trời Xuân.

 Lễ hội linh thiêng và trang nghiêm của Phật giáo Tây Ninh. Ảnh: Tổng cục Du lịch
Lễ hội linh thiêng và trang nghiêm của Phật giáo Tây Ninh. Ảnh: Tổng cục Du lịch


Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Đức Thánh Trần diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tại số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất ở TPHCM, nhằm tri ân công đức giữ nước, bảo vệ giang sơn và đồng bào của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Đông đảo du khách thập phương tấp nập về Đền thờ Đức Thánh Trần dự lễ hội đầu Xuân, cầu mong sức khỏe, bình an cho người thân và gia đình, xem các nghi thức tế lễ trang trọng, các hoạt động phần hội như múa lân, khai kinh đầu năm, biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn…

 Nhắc đến lễ hội xuân đầu năm không thể không nhắc tới hội đền Đức Thánh Trần ở TPHCM. Ảnh: Thành Ủy TPHCM
Nhắc đến lễ hội xuân đầu năm không thể không nhắc tới hội đền Đức Thánh Trần ở TPHCM. Ảnh: Thành Ủy TPHCM

Theo QUỲNH NGA/ Báo Lao Động

 

Các tin khác: