"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

07:12, 24/12/2022

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", tư tưởng của Người một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 

 

Văn nghệ đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Văn nghệ đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tư tưởng của Người một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Sau 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, ngành văn hóa đã tạo nên những chuyển biến ban đầu trong nhận thức và những thành quả nổi bật.
 
“Văn hóa còn, dân tộc còn”
 
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra với 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp cụ thể.
 
Có thể nói, sự phát triển của văn hóa, đang ngày càng nhận được sự quan tâm và chú trọng đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội như Tổng Bí thư đã phát biểu: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - TT - DL Nguyễn Văn Hùng: “Sau 1 năm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa đã được Bộ Văn hóa - TT - DL cụ thể hóa trong hoạt động của bộ cũng như các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước. Hội nghị văn hóa toàn quốc đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế- xã hội”.
 
Trước hết, đó là sự chuyển biến về nhận thức. Toàn Đảng, toàn dân có nhận thức rõ hơn, toàn diện hơn về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. “Văn hóa còn, dân tộc còn”.
 
Các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành văn hóa tổ chức đa dạng các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa đến từng người dân. Mỗi cán bộ, mỗi người dân có ý thức sâu sắc hơn về vai trò của cá nhân và cộng đồng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, cũng như vai trò của văn hóa trong việc phát triển đời sống kinh tế - xã hội.
 
Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đặc biệt là phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp và quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
 
Từ đó, nhận thức về vị trí, vai trò của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng trong thời kỳ đổi mới đã được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư: “Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”. 

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tham dự và viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tham dự và viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

 Tại các địa phương, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đã được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động văn hóa được quan tâm tổ chức phong phú, đa dạng hơn; đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương có sự gia tăng rõ nét.

 
Phát huy tinh thần  yêu nước, khát vọng  phát triển đất nước
 
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước được quan tâm. Việc phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến tạo động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị. 
 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - TT - DL Tạ Quang Đông, cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục được bộ quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: gắn các đợt sinh hoạt chính trị của ngành để tuyên truyền, lồng ghép vào hoạt động bảo tàng, thư viện, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, cuộc thi, liên hoan, hội thi, hội diễn gắn với chủ đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ. Tập trung tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh; ứng xử văn hóa trong các cơ quan, đơn vị... Đặc biệt những giá trị văn hóa tốt đẹp con người Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19”. 
 
Theo báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết quả xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam có nhiều thành tựu nổi bật. Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Văn hóa - TT - DL đã phát động chủ đề công tác năm “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Học truyền thống hướng tương lai. Ảnh: THANH BÌNH
Học truyền thống hướng tương lai. Ảnh: THANH BÌNH
Có thể nói, “xây dựng môi trường văn hóa” là vấn đề được toàn ngành hết sức quan tâm. Theo đó, ngành văn hóa đã tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. 
 
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động thể thao quần chúng, góp phần phát huy nhân tố con người; tăng cường, bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng và xã hội; thu hút mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lịch sử trọng đại, như: 290 năm Long Hồ dinh (1732 - 2022); 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long (1832 - 2022); 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long (1992 - 2022); 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2022); 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (1912 - 2022); 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh