Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022)

Kỳ cuối: Vạch nhiễu tìm thù

Cập nhật, 04:54, Thứ Bảy, 17/12/2022 (GMT+7)
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 21/12/1972. Ảnh: TL
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 21/12/1972. Ảnh: TL

(VLO) Về phía ta, để đối phó với việc B-52 ném bom miền Bắc, công tác chuẩn bị đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tiến hành từ sớm về mọi mặt, cả sức người, sức của; cả vật chất, tinh thần và không bị bất ngờ.

Trước đó đã tích cực chuẩn bị thế trận, như sắp xếp lại các đơn vị, phối hợp chiến đấu giữa lực lượng chính quy với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, hoàn thiện công tác kỹ thuật xây dựng các trận địa và ngụy trang trận địa (làm những trận địa tên lửa giả, xây dựng sân bay dã chiến, cất giấu máy bay, sơ tán nhân dân và các cơ sở quan trọng về nơi an toàn).

Về trang bị, đã đưa thêm một số đơn vị tên lửa, pháo phòng không về bảo vệ Thủ đô. Lúc này, bộ đội tên lửa đã được Liên Xô huấn luyện, trang bị tên lửa SAM-2 (Diva 75) với tầm bắn cao hơn 20km, trong khi B-52 bay cao nhất khoảng 17 - 18km, nhưng để ném bom hiệu quả chúng sẽ bay ở độ cao 9 - 10km, bên cạnh đó là hỏa lực của các loại pháo phòng không gồm pháo cao xạ 100 ly, 57 ly, 37 ly, đại liên 14,5 ly, 12,7 ly… kể cả súng bộ binh của các lực lượng sẵn sàng bắn các máy bay chiến thuật bay thấp. Nhiệm vụ chủ yếu của tên lửa và pháo phòng không là tiêu diệt máy bay B-52.

Cách đánh B-52 cũng được cải tiến, trước đó qua thực chiến bộ đội tên lửa đã phát hiện vấn đề liên quan đến kỹ thuật, có trận đánh vài chục quả SAM-2 được phóng lên nhằm vào máy bay, nhưng sau khi phóng, tên lửa đã mất điều khiển rơi xuống đất.

Qua khai thác phi công Mỹ bị bắt, ta biết được Mỹ bắt đầu trang bị máy gây nhiễu trên máy bay, làm ra-đa khó phát hiện tín hiệu của máy bay và tên lửa SAM-2 khi phóng lên sẽ bị nhiễu cực mạnh này làm “mù mắt” và rơi xuống.

Việc cải tiến chống nhiễu được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam tiến hành nghiên cứu và đã tìm ra phương pháp chống nhiễu hiệu quả, cách đánh B-52 được biên soạn thành cẩm nang đỏ, mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” được triển khai đến các trận địa ra-đa, tên lửa.

Lúc 19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, ra-đa của ta đã bắt được tín hiệu của B-52 tiến vào Hà Nội từ phía Tây. Lúc 19 giờ 40 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên được phóng lên nhắm vào các máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Không quân tiêm kích cũng được lệnh cất cánh đánh máy bay địch.

Phi công Phạm Tuân bắn rơi 1 máy bay B-52 vào đêm 27/12/1972 và trở về an toàn, đến ngày 28/12 phi công Vũ Xuân Thiều tiếp tục bắn rơi máy bay B-52, tuy nhiên anh đã anh dũng hy sinh khi lao thẳng chiếc MIG của mình vào B-52.

Kết quả trong 12 ngày đêm từ 18 - 30/12/1972 (trừ ngày 25/12 là ngày lễ Noel địch ngưng ném bom): quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay các loại, gồm 34 pháo đài bay B-52 và 47 máy bay chiến thuật tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ.

Trong đó bộ đội tên lửa bắn rơi 31 máy bay B-52; pháo cao xạ và súng bộ binh bắn rơi 20 máy bay, có 1 máy bay B-52; không quân tiêm kích bắn rơi 7 máy bay, có 2 máy bay B-52, ta tổn thất 3 máy bay MIG.

Tội ác của không quân Mỹ qua các cuộc ném bom hủy diệt đã đánh vào các khu dân cư, bệnh viện như Phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm… phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga… giết hại 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác.

Nhưng vẫn không làm lay chuyển ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của một dân tộc anh hùng.

Lúc 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Nixon tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là chiến thắng của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và nhân dân làm nên chiến thắng.

Là chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù, trong đó có sự đồng tình ủng hộ của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ, và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã qua 50 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị, tinh thần bất diệt trong lịch sử dân tộc cũng như sự ngưỡng mộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải thường xuyên sẵn sàng đối phó với những cuộc chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao, thì hơn lúc nào hết phải khơi dậy giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Qua đó, tôn vinh sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí quật cường, trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam góp phần “đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa xuân năm 1975.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm một đơn vị không quân được trang bị máy bay SU-27 có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển các tỉnh miền Trung và quần đảo Trường Sa. Ảnh: TL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm một đơn vị không quân được trang bị máy bay SU-27 có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển các tỉnh miền Trung và quần đảo Trường Sa. Ảnh: TL

Ngày nay, đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Song tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra nhiều nơi, tranh chấp chủ quyền biển đảo ngày càng gay gắt…

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải không ngừng nâng cao tiềm lực về mọi mặt với quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngăn ngừa các mầm móng chiến tranh từ sớm, từ xa, sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh, không để bị động, bất ngờ.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ANH TIẾN

TIN LIÊN QUAN

Các tin khác: