Đọc sách "Quân khu Nam Đồng"

Ngàn yêu thương- nhớ một ký ức chung

Cập nhật, 16:58, Thứ Bảy, 28/08/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Ra đời năm 2015, “Quân khu Nam Đồng” trở thành một hiện tượng của làng văn khi một tác phẩm đầu tay đạt kỷ lục tái bản 15 lần trong 4 năm, in 32.000 cuốn. Ký ức chung đầy niềm vui và chiêm nghiệm của những đứa con nhà binh đã chạm đến trái tim, cuốn hút mọi lứa tuổi độc giả khác nhau.

Tác giả Bình Ca là một người con của khu tập thể Nam Đồng. Câu chuyện được viết chính là những sự thật đã diễn ra cách đây 40 năm.

Tác phẩm như một quyển hồi ký nhưng đặc biệt ở chỗ không có nhân vật chính. Mỗi chương sách bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ, kể lại hành trình trưởng thành của những đứa trẻ lớn lên từ khu Nam Đồng.

Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng xong năm 1964, là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ.

Nơi đây là nhà của khoảng 500 gia đình cán bộ. Nhưng gắn bó với khu tập thể nhất không phải là người lớn, mà là lũ trẻ con chỉ khoảng 7 tuổi khi chuyển đến đây vào năm 1964-1965.

Cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” bắt đầu từ một cuộc hội ngộ và lên ý tưởng cần có quyển sách ghi lại quá khứ “lầy lội” của những đứa trẻ thời kỳ đó, nay đã sống quá nửa cuộc đời.

Việt, Hòa, Khanh, Thái Đen, Hà Tư, Giang Cận, Tân Thời, Dũng Chột... đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, “nhất quỷ nhì ma” khiến độc giả cười “thắt ruột” vì bọn trẻ con khu này không lo học mà chỉ đi đánh nhau, với bản kiểm điểm mời phụ huynh, có lần vào trại giam, những bức thư tình nhờ bạn viết giùm đầy sến sẩm… Những cậu học sinh tinh quái bày trò khiến người lớn “không đỡ nổi”.

Chúng vẽ biếm họa thầy cô, rủ nhau hát quốc ca thật to lúc chào cờ, cắm đinh vào ghế ngồi của bạn, đi bắt trộm mà bị... mất cái quần.

Chi tiết gây cười là vụ những chàng trai rủ nhau cùng đi bẻ gãy chân gà để trả thù cô giáo vì cho chúng điểm thấp. Cứ bị 1 điểm là 1 cái chân gà sẽ bị bẻ, rồi ngan và vịt cũng chịu chung số phận...

Nghe có vẻ hơi hư đốn nhưng những đứa trẻ khu Nam Đồng giàu tình cảm, nghĩa hiệp bảo vệ nhau, rất khẳng khái, gan dạ với cái chất của những người con nhà lính.

Họ thiếu tình thương yêu của gia đình, quây quần cùng nhau ở khu tập thể nên điều mà họ luôn có với nhau là tình bạn đúng nghĩa.

Trải qua những trận đánh nhau nảy lửa, lũ trẻ sống chết phải bảo vệ nhau đến cùng để chống lại những kẻ đến từ nơi khác muốn bắt nạt và trấn lột chúng. Lũ trẻ tự phong cho mình cái tên “Quân khu Nam Đồng”.

Điều bình dị và mộc mạc chinh phục trái tim người đọc. Giọng văn không quá dài dòng, miêu tả quá đỗi chân thực của tác giả Bình Ca làm người đọc phải phá lên cười liên tục khi hiểu được đặc trưng của Quân khu Nam Đồng và tính cách từng thành viên trong tập thể.

Những trang sách mang đến cảm giác vui thích, bồi hồi như những thước phim quay chậm trở về cái thời mỗi người cắp sách đến trường.

Điều đáng quý trong “Quân khu Nam Đồng” còn là tình yêu của những người trẻ thời chiến. Mối tình đầu không thể đến được với nhau nên “khắc cốt ghi tâm”.

Những kỷ niệm in vào lòng để sau này mỗi khi nhớ về, những đứa trẻ Nam Đồng cảm thấy ấm áp biết bao.

Những đứa trẻ khu Nam Đồng hạnh phúc bên nhau cho đến khi Tổ quốc gọi những trái tim dũng cảm lên đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Rồi cứ thế xa dần, khoảng cách quá xa, thời gian quá lâu, họ lạc nhau mãi mãi.

Khu tập thể Nam Đồng cũng dần trở thành ký ức khi phải bắt kịp nhịp độ phát triển của đất nước. Nhưng sau tất cả, những người con của Nam Đồng vẫn kiên định tình yêu dành cho khu gia binh oanh liệt một thời.

Thấy được sự hy sinh của ông cha để mỗi chúng ta trân trọng hơn cuộc sống này. Ký ức của những đứa con Nam Đồng có sức cuốn hút kỳ lạ dù bạn là một người trẻ của thế hệ hôm nay.

Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch COVID-19 như chống giặc, “Quân khu Nam Đồng” lại mang đến tiếng cười để mọi người lạc quan hơn, tin yêu hơn vào tương lai như những đứa trẻ Nam Đồng đã từng: “Đi đánh giặc đã. Ngày chiến thắng trở về sẽ là ngày đẹp nhất”.  

“Quân khu Nam Đồng” là truyện ngắn đầu tay của tác giả Bình Ca. Ông tên thật là Trần Hữu Bình, trước khi bén duyên với nghề cầm bút, ông học ngành kinh tế, từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Vừa qua, tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca đã nhận giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn vào 1/6/2021.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Các tin khác: