Quê hương ân tình, đậm đà bản sắc

Cập nhật, 05:55, Thứ Năm, 30/04/2020 (GMT+7)

45 năm kể từ ngày giành được hòa bình, độc lập là một chặng đường dài quê hương, đất nước đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, vất vả. Nhưng càng gian nan thử thách, Việt Nam càng thể hiện rõ bản lĩnh, bản sắc dân tộc đậm đà hơn.

Trên nền tảng những giá trị truyền thống, dưới ánh sáng soi rọi dẫn đường của Đảng ta, thực hiện lời dạy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã xây dựng nên một nền văn hóa mới hiện đại mà luôn đậm đà bản sắc ngàn năm của dân tộc.

Vĩnh Long tự hào góp một phần vào những thành tựu to lớn của đất nước. Nhìn lại những chặng đường đã qua, quê hương ta biết mấy ân tình.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long.
Văn Thánh miếu Vĩnh Long.

Xây dựng đời sống mới

Nhìn lại suốt chặng đường đã qua, hiện rõ một điều đó là tính nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong mọi chủ trương, chính sách về văn hóa; luôn khẳng định văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng tinh thần, định hướng sự phát triển bền vững của xã hội.

Riêng Vĩnh Long, từ chương trình xây dựng đời sống mới đến thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Tuổi trẻ Vĩnh Long đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh tư liệu của di tích cấp quốc gia tỉnh Vĩnh Long
Tuổi trẻ Vĩnh Long đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh tư liệu của di tích cấp quốc gia tỉnh Vĩnh Long

Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần IV khẳng định: “Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học- kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng văn hóa (trong đó, cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt)”.

Và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”.

Trong hoàn cảnh lịch sử, Vĩnh Long cũng như cả miền Nam còn nhiều tàn dư của chế độ cũ; cuộc cách mạng về văn hóa tư tưởng gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là những hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan…

Từ năm 1980, Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, đã lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội thông qua các phong trào, các cuộc vận động: “Tham gia tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên xung phong làm chủ tập thể”, “Sức khỏe, vệ sinh, phòng bệnh và sinh đẻ kế hoạch”, “Gia đình an toàn, xã hội trật tự”…

Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân nhìn từ trên cao. Ảnh: VINH HIỂN
Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân nhìn từ trên cao. Ảnh: VINH HIỂN

Đến năm 1985, toàn tỉnh có 55.000/220.000 hộ gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng đời sống mới giai đoạn này đã góp phần xây dựng môi trường xã hội mới, hình thành được phong trào lao động mới, giảm dần các tập tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Trong những giai đoạn khó khăn, Vĩnh Long lại phát triển mạnh mẽ về văn hóa văn nghệ; trong khi tình hình chung là thiếu kinh phí, thiếu kịch bản sân khấu… thì Vĩnh Long nở rộ những đoàn ca nhạc, sân khấu cải lương và những kịch bản gây tiếng vang trong cả nước.

Nhiều cán bộ cấp huyện tạo nên những hình thức biểu diễn độc đáo của sân khấu cải lương thời đó, tạo nên sức hút mạnh mẽ. Như Trà Ôn có anh Út Nhỏ, Tam Bình có anh Tám Tích, đã tạo nên những sân khấu “lưu động” trên ghe, biểu diễn ở các vàm sông, bến chợ, bà con bơi ghe xuồng đến xem hát rần rần.

Người dân thụ hưởng đời sống tinh thần phong phú

Sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa văn nghệ của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long- trong thời bao cấp khó khăn nhiều thứ- đã làm “bệ phóng” cho nhiều nghệ sĩ tài năng, thu hút sức sáng tạo từ khắp nơi, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng từ TP Hồ Chí Minh, đã giúp cho Vĩnh Long trở thành điểm sáng của đồng bằng.

Văn hóa văn nghệ đã trở thành vũ khí đắc lực trong công tác tuyên truyền, cũng là món ăn tinh thần vô cùng phong phú cho người dân khắp từ thành thị đến tận vùng nông thôn xa xôi.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi với nhiệm vụ chủ yếu phục vụ công tác chính trị do Nhà nước bao cấp.

Một góc Khu lưu niệm GS.Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh: VINH HIỂN
Một góc Khu lưu niệm GS.Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh: VINH HIỂN

Theo Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm, toàn tỉnh ngay trong thời bao cấp đã có 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, gồm 3 đoàn của Nhà nước: Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, Đoàn Dù kê Ánh Bình Minh, Đoàn Cải lương Cửu Long.

Và 3 đoàn tập thể gồm: Đoàn Cải lương Phù Sa, Đoàn Tiếng ca Sông Cửu, Đoàn Hát bội Đồng Thinh. Các đoàn thường xuyên đi lưu diễn khắp địa bàn trên tỉnh và thường xuyên về phục vụ bà con vùng nông thôn xa xôi, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Văn nghệ sĩ phục vụ hết mình không ngại khó khăn gian khổ.

Ngoài các đoàn văn nghệ thì các đội chiếu bóng cũng là thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long trong công tác tuyên truyền chính trị và phục vụ người dân.

Ngay từ những năm đầu sau giải phóng là thời kỳ vàng son của điện ảnh tỉnh nhà, có 42 đội chiếu bóng lưu động phục vụ hàng ngàn buổi chiếu phim phục vụ hàng năm.

Bước vào thời kỳ đổi mới cho đến năm 1992, tỉnh Vĩnh Long được tái lập, công tác văn hóa văn nghệ bắt đầu thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Từ đây, các cơ sở vật chất và văn hóa được quan tâm tôn tạo, phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo tàng và nhà truyền thống cho đến cấp huyện.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho đến nay Vĩnh Long tự hào có được một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, với 11 di tích cấp quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh. Đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.

Trong đó, có những lễ hội, những di tích góp phần vào việc thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến Vĩnh Long.

Các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu thụ hưởng đời sống tinh thần của người dân được quan tâm đầu tư, phát triển. Hệ thống trung tâm văn hóa cho đến các nhà văn hóa, phủ đều đến tận vùng nông thôn, vùng sâu.

Cùng với đó, là hệ thống kỹ thuật, sân bãi thi đấu, tập luyện thể thao từng bước được hoàn thiện. Vĩnh Long cũng giữ vững các phong trào cốt lõi “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, làm nền tảng căn cơ, là yếu tố quyết định chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Vĩnh Long giữ vững các phong trào cốt lõi “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, làm nền tảng căn cơ, là yếu tố quyết định chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Năm 2000 là 72.071 hộ, đạt 33,82%; năm 2005 là 184.446 hộ, đạt 85,66%; năm 2010 là 199.089 hộ, đạt 86,81%; năm 2014 là 232.919 hộ, đạt 91,5%...

NGỌC TRẢNG

Các tin khác: