Bài học tuổi thơ nuôi nấng giấc mơ con

Cập nhật, 21:07, Chủ Nhật, 24/02/2019 (GMT+7)

Khi không khí xuân tràn về ấm áp từng góc phố, tác giả Trần Ngọc Anh Thư đã mang quyển sách “Đấy là nó nghĩ thế” giới thiệu với các bạn trẻ Vĩnh Long. Vừa trao những bài học quý giá, tác giả còn trao cả chiếc chìa khóa mở lại cánh cửa thời thơ ấu của mỗi người và đặt ra câu hỏi “tuổi thơ đáng giá bao nhiêu” đầy suy ngẫm.

Các bạn học sinh Trường THPT Nguyễn Thông cùng giới thiệu quyển sách “Đấy là nó nghĩ thế”.
Các bạn học sinh Trường THPT Nguyễn Thông cùng giới thiệu quyển sách “Đấy là nó nghĩ thế”.

Quyển sách “Đấy là nó nghĩ thế- Just the way she thinks” được in với 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh nên độc giả, đặc biệt là các em nhỏ, có thể dùng để rèn luyện khả năng ngoại ngữ.

Cuộc gặp gỡ với tác giả Trần Ngọc Anh Thư cũng trở nên đáng nhớ hơn khi mở đầu chương trình, các bạn học sinh Trường THPT Nguyễn Thông giới thiệu quyển sách bởi cuộc đối đáp hài hước bằng song ngữ.

Cuốn hồi ức trong veo, xuất hiện xuyên suốt hình ảnh của cô bé Cún tóc nấm chưa đến 10 tuổi, ríu ran giọng cười nói lanh lảnh. Hiện là Trưởng Phòng Nội dung chương trình, Công ty Truyền thông BHD, quen với công việc sáng tạo, Trần Ngọc Anh Thư kể những câu chuyện xưa thuộc vào hàng “cổ lỗ sĩ” nhưng lại sống động vô cùng bởi những từ ngữ rất “đời”, rất hiện đại.

Từ ý tưởng ban đầu là kể lại cho con những kỷ niệm tuổi thơ, Trần Ngọc Anh Thư đã nghĩ ra cách dạy con bằng chính quá khứ của mình- một cách hay để con tự cảm nhận và khôn lớn.

Tuổi thơ của Cún đầy ắp kỷ niệm về chiếc xe đạp tòng tọc mẹ chở dưới trời mưa, với mùi ổi chín ngập vườn hè, lăn lê bò toài bắt châu chấu, nâng niu từng bông hoa ngọn cỏ, quấn quýt bên con chim sáo, những lần chứng kiến cảnh cãi vã to tiếng, ăn riêng mâm của ông bà, bố mẹ sau khi đứa em gái thứ ba ra đời...

Trong con mắt một cô bé láu lỉnh, hay khóc nhè, hay lý sự và luôn đong đầy tình yêu thương, ngay cả việc “giết một con chấy” là tội ác thì tại sao người lớn lại phải chia tay nhau?

Trần Ngọc Anh Thư làm ta cười ngay đấy rồi lại khóc luôn được. Kỷ niệm ấu thơ ùa về, vui có, buồn có, người ta có dịp tìm lại “một đứa trẻ” trong mình.

Tựa như Anh Thư trao cho bạn đọc chiếc chìa khóa mở cánh cửa thần kỳ bước vào quá khứ, trở lại thời hồn nhiên nhất của cuộc đời. Cuốn sách được viết bằng thể loại khá đặc biệt: tâm lý- kỹ năng đã gửi gắm thông điệp về sự quan tâm của bố mẹ thời hiện đại đối với những đứa con của mình.

Chị Anh Thư chia sẻ: “Ba mẹ là những người bạn thân gần gũi với con thì các con cũng sẽ tin cha mẹ chính là những người bạn thân tuyệt vời nhất”.

Chị bày tỏ, không nên áp đặt con mình phải như thế này, như thế kia vì: “Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, một cuốn từ điển cực kỳ rộng lớn, nhiều khi bố mẹ phải học từ con cái chứ không phải dạy cho con cái. Cuộc sống bây giờ mà cứ bảo con ra đường đi, con bắt châu chấu, cào cào đi. Không thể như thế được”. 

Câu chuyện dành cho con và cũng là dành cho cả cha mẹ trong hành trình đi đến hạnh phúc kết thúc với lời nhắn nhủ rằng khi biết cách yêu thương và cảm thông với những nỗi niềm, kể cả những trò nhí nhố, dễ gây khó chịu của con, mỗi bậc cha mẹ sẽ dần hun đúc cho con mình sự tự tin, sự nỗ lực vì những điều đẹp đẽ.

Các con sẽ giữ được tâm hồn trong sáng, tự học bài học về lòng trắc ẩn, một bài học quý giá trong cuộc sống hiện đại này.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY