NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM (21/4)

Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn

Cập nhật, 06:07, Thứ Bảy, 22/04/2017 (GMT+7)

“Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ” (X.X Maico). Khi đọc sách, chúng ta được tiếp thu thêm nhiều kiến thức hữu ích, nhìn nhận sâu sắc nhiều vấn đề.

Song, không phải ai trong chúng ta cũng biết tầm quan trọng của đọc sách, cũng như đọc sách sao cho hiệu quả nhất.

Nhiều người chọn mua sách ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh).
Nhiều người chọn mua sách ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh).

Mỗi cuốn sách đều là một phần quý báu trong kho tàng tri thức nhân loại. Đọc sách không chỉ giúp người đọc được nâng cao hiểu biết, rèn luyện năng lực ngôn ngữ mà còn là thói quen tốt giúp ta hoàn thiện mình hơn. 

“Sách là người bạn tâm giao tri kỷ luôn ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Sách mở ra cho tôi những chân trời mới. Sách là nơi có thế giới của những phép thuật; nơi có những tấm gương của những doanh nhân, vĩ nhân; …”- bạn Phạm Hoàng Nguyên (sinh viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ niềm đam mê đọc sách của mình như thế.

Và, những quyển sách mà Nguyên tâm đắc có thể kể: “Hiểu về trái tim”, “Đường xưa mây trắng”, “7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật học tinh hoa”,…

Nguyên cho rằng: “Nhờ có sách, tôi có thể học hỏi và “sống” cùng tác giả. Người thành công đã dành cả cuộc đời kinh nghiệm của mình để gói ghém trong một cuốn sách và qua đó, ta có thể tiết kiệm hơn cho cuộc đời của ta. Vậy còn lý do gì mà bạn không chịu đọc sách?”

Bạn Mai Thảo Vy (nhân viên ngân hàng) cho biết, từ lúc còn là sinh viên, bạn “đã đắm say” những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng và lãng mạn kể về những trải nghiệm, hành trình xuyên dọc Âu Á của nhà văn Dương Thụy.

Những cuốn sách “Oxford thương yêu”, “Nhắm mắt tới Paris”; “Chờ em đến San Francisco”… của Dương Thụy với những mô tuýp quen thuộc trong văn của cô: một cô gái Việt yêu một chàng trai Tây, ở một vùng đất xa lạ nào đó của Châu Âu xa xôi.

Truyện khắc họa được chân dung những con người của thế hệ trẻ: hiện đại, tài năng và đam mê đi khắp thế giới để thu về không chỉ kiến thức mà còn cả văn hóa sống.

“Đọc để được du lịch, khám phá thế giới qua những trang sách Dương Thụy cũng thú vị lắm chớ”- Vy hào hứng.

Với công nghệ phát triển hiện nay, không ít người có thói quen đọc sách trên mạng rất thoải mái. Chị Nguyễn Minh Hạnh (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho biết: “Thỉnh thoảng, cũng có đọc sách trên mạng, đó là những quyển sách dài nhiều trang, không tiện mang theo, chứ tôi vẫn thích đọc sách giấy hơn.

Vì khi cầm trong tay quyển sách, lật từng trang sách giấy, ngửi mùi thơm của sách lại có nhiều điều thú vị”.

Bạn Lê Hồng Nhung (sinh viên ĐH Cửu Long) cho biết: “Đọc sách ebook có cái tiện là tiết kiệm hơn cho sinh viên. Song, khi cầm quyển sách trên tay để đọc, mình tìm hiểu kỹ từng dòng hay, câu từ mình thích mình có thể đánh dấu lên, mình suy ngẫm thì cảm giác đó sung sướng hơn.

Quan trọng hơn nữa là người thích sách thì mong muốn được sở hữu quyển sách đó để cho tủ sách của mình càng đầy hơn những quyển sách mình yêu thích. Một lý do khi đọc sách trên mạng, mình ít tập trung được bằng đọc quyển sách giấy”.

Dù ai cũng biết rằng đọc sách là cách trau dồi kiến thức rất là tốt, một cách giải trí lành mạnh và rất tiết kiệm. Song, ngày nay sự phát triển của các thiết bị điện tử, công nghệ số, càng có lý do khiến chúng ta không còn thói quen để đọc sách.

Mỗi người cầm một chiếc điện thoại, chăm chú trong thế giới ảo mà không màng tới cuốn sách hay câu chuyện nào để chia sẻ với nhau. Đây chính là nguyên nhân làm giảm đi sự giao tiếp giữa con người với nhau.

Trong khi đọc sách, trao đổi, chia sẻ với nhau sẽ mang rất nhiều lợi ích, kể cả việc gắn kết các thành viên trong gia đình. 

Chúng ta nên thay đổi thói quen, nên dành thời gian mỗi tuần đọc một quyển sách mình yêu thích. Đặc biệt, đọc sách rất tốt cho trẻ nhỏ, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng và hình thành nhân cách.

Từ lúc có con nhỏ, giá sách của chị Phạm Hạ Nghi (Phường 2- TP Vĩnh Long) thêm đầy ắp những quyển sách về nuôi dạy con. Nào là sách “Nuôi con bằng sữa mẹ”, những quyển sách của gia đình Đỗ Nhật Nam, “Con nghĩ đi, mẹ không biết”, “Để con được ốm”, “Nuôi con không phải cuộc chiến”,… Chị cho rằng, chị tìm một cách “làm bạn” với con bắt đầu từ những trang sách.

“Tôi hầu như không có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ con, và cũng không muốn nuôi con theo kiểu cũ nên việc tham khảo những cuốn sách của những bà mẹ trẻ tiến bộ là một cách để học hỏi thêm”- chị Nghi chia sẻ. 

Sách là nguồn tri thức vô giá, nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Trong cuộc sống vội vã, tấp nập này, đọc sách luôn có vai trò quan trọng đem lại sự thanh tịnh trong tâm hồn trong sự bộn bề của cuộc sống.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

TIN LIÊN QUAN

Các tin khác: