Cơ sở vật chất văn hóa- có quá tầm?

Cập nhật, 16:12, Thứ Tư, 01/06/2016 (GMT+7)

 

Các em đến tham quan, tìm hiểu sách báo bổ sung kiến thức tại trung tâm văn hóa xã.
Các em đến tham quan, tìm hiểu sách báo bổ sung kiến thức tại trung tâm văn hóa xã.

Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Nhà nước và nhân dân trong tỉnh đã đầu tư khoản kinh phí không nhỏ để nâng cấp và xây dựng mới cho tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa tại 24 xã đạt chuẩn NTM (23 xã đã được công nhận).

Việc xây dựng được cho rằng khá quy mô, nhưng hiệu quả sử dụng cơ sở vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư.

Tiêu chí khó, được đầu tư

Căn cứ thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tình hình thực tế của tỉnh, BCĐ Xây dựng NTM tỉnh đã chỉ đạo:

Nếu không đủ điều kiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa- thể thao (VHTT) xã thì xã NTM phải có nhà văn hóa xã gắn với trung tâm học tập cộng đồng và không nên quy hoạch nhà văn hóa xã gắn liền với các cơ quan nhà nước, sẽ làm ảnh hưởng nơi làm việc, còn người dân thì ngại không đến tham gia sinh hoạt.

Trung tâm VHTT xã cần có một sân bóng đá và các sân phụ khác hoặc có thể quy hoạch sân bóng đá liên xã, theo cụm. Việc quy hoạch sân thể thao liên xã, theo cụm do BCĐ xây dựng NTM của huyện chỉ đạo và quyết định.

Mỗi ấp phải có nhà VHTT ấp kết hợp với trụ sở làm việc của ấp. Theo đó, BCĐ các cấp trong tỉnh luôn dành các nguồn kinh phí đầu tư, đến cuối năm 2015 có 24 xã thực hiện đạt được tiêu chí khó khăn này, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân theo quy định.

Ước kinh phí đầu tư cho xây dựng trung tâm VHTT xã và nhà VHTT ấp đạt chuẩn quy định (chưa thống kê chính xác) đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng (cả đầu tư trang thiết bị), nhưng tính đến thời điểm này, hoạt động những nơi này tại nhiều xã NTM vẫn chưa phát huy được hiệu quả tương xứng.

Hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất văn hóa

Vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích- Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã Thành Đông (Bình Tân) cho biết, sau khi nâng cấp và xây dựng đưa vào sử dụng trung tâm VHTT xã đến nay, chủ yếu dành để cho dân hội họp; vài tháng tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, đờn ca tài tử.

Nhà VHTT cụm ấp Thành Tân- Thành Tiến; Thành Khương- Thành Quới, cũng trang bị được một số sách báo, dàn âm thanh và giao cho trưởng ban nhân dân ấp kiêm nhiệm quản lý, nhưng do bận nhiều việc và không có nghiệp vụ hoạt động văn hóa nên hiếm khi mở cửa, chỉ lúc cần sinh hoạt chi bộ đảng của ấp mới sử dụng.

Ở TX Bình Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh Nguyễn Văn Dũng cũng chia sẻ những khó khăn và hạn chế trong khai thác sử dụng trung tâm VHTT xã và nhà VHTT cụm ấp.

Tại Trung tâm VHTT xã Đông Thạnh, do tách xa trụ sở xã, cơ sở mới được đầu tư tương đối rộng, có hội trường và đủ các phòng chức năng đạt chuẩn, nhưng hiện vẫn còn thiếu nhiều bàn ghế khi sinh hoạt; thiếu trang thiết bị vui chơi cho trẻ em.

Sân rộng nhưng cũng chỉ có một số bà con chơi cầu lông vào buổi chiều. Hội trường có dàn âm thanh tốt phục vụ cho sinh hoạt CLB đờn ca tài tử hàng tuần, nhưng chưa đều và người tham gia chưa nhiều.

Nơi đây được lồng ghép với trung tâm học tập cộng đồng, nên về đêm cũng tạo được không khí vui tươi. Tại cụm VHTT liên ấp Đông Thạnh B- Đông Thạnh C, bà con có đến sinh hoạt, vui chơi nhưng còn hạn chế.

Theo BCĐ Xây dựng NTM xã Trung Hiếu (Vũng Liêm), Trung tâm VHTT xã này cũng chưa có những hoạt động thiết thực; cụm VHTT ấp An Điền xây dựng sát ngã ba đường và cũng gần trung tâm chợ xã nên hoạt động khởi sắc hơn. Sinh hoạt chi bộ ấp, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức tại đây thường xuyên hơn các điểm khác.

Theo lãnh đạo các địa phương, việc khai thác sử dụng trung tâm và nhà VHTT xã, ấp tại các xã NTM hiện vẫn chưa thật sự xứng tầm. Nguyên nhân, do nhu cầu về sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn chưa được khơi dậy.

Những loại hình sinh hoạt khác đang chi phối bộ phận không nhỏ người dân. Cơ sở vật chất văn hóa đầu tư lớn, nhưng con người làm văn hóa ở cơ sở chưa đủ.

Nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn và thu hút. Nguyên nhân quan trọng là lực lượng trẻ có trình độ và tâm huyết để làm nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ địa phương rất ít, nên khó tạo khí thế văn hóa mới ở nông thôn.

Để thích nghi thực tế của địa phương, tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng NTM của tỉnh, đồng chí Đặng Văn Chính- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM huyện Bình Tân đã kiến nghị:

Đối với cơ sở vật chất văn hóa, thời gian qua ta đã đầu tư để đạt tiêu chí, nhưng trong thực tế chưa hoặc không phát huy được tác dụng, đã gây nên sự lãng phí về nguồn lực xã hội hiện nay như vốn và đất, trong khi nguồn vốn đầu tư của ta còn rất nhiều khó khăn.

Phần nhiều các nhà văn hóa cụm ấp còn vắng vẻ, đìu hiu.
Phần nhiều các nhà văn hóa cụm ấp còn vắng vẻ, đìu hiu.

Để thực hiện tiêu chí này, theo Công văn 3897 ngày 30/10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM, đồng chí Đặng Văn Chính kiến nghị, trước mắt nên tạm sử dụng nhà dân hoặc các quán cà phê ở từng ấp, cụm ấp để ta đầu tư thêm một ít có thể là mái che hoặc bàn ghế ngồi.

Nếu làm được như vậy, chủ nhà có thể vừa mua bán vừa quản lý cơ sở vật chất. Còn người dân có điểm để sinh hoạt văn hóa.

Nhà nước không phải đầu tư tốn kém, phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như của người dân hiện nay. Về lâu dài, khi có nhu cầu và điều kiện, ta tiếp tục đầu tư để đạt tiêu chí này.

Các địa phương cũng kiến nghị, đã xây dựng cơ sở vật chất văn hóa quy mô thì cũng phải tính đến việc đầu tư cho con người, cho văn hóa cơ sở một cách xứng tầm.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT